Những điều đặc biệt ở PVF

Ngày cập nhật23/03/2017

Bóng đá không chỉ cần chuyên môn tốt mà phải mỗi cầu thủ phải được trang bị, giáo dục nền tảng đạo đức, văn hóa. Đến PVF bạn sẽ ấn tượng bởi ý thức về nghề nghiệp và tình yêu trong sáng của các em học viên với trái bóng.

Cuộc sống xa gia đình từ nhỏ rèn cho các em sự tự giác, ngăn nắp và gọn gàng trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Không ai bảo ai, mọi học viên khi gặp người lớn tới thăm các em dù đang luyện tập đều cúi đầu, đồng thanh chào thầy/cô như một thói quen hàng ngày. Có được những điều ấy, một phần rất lớn đến từ những huấn luyện viên và quản sinh của các em. Họ không chỉ là người thầy mà như những người anh, người bạn của học viên.

Mới đây nhất, trong trận U19 PVF để thua U19 Hà Nội trong vòng bảng Vòng chung kết U19 Quốc gia 2017, khi bị trọng tài chính rút thẻ đỏ, tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn của PVF đã có hành động để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người hâm mộ.

Nhận thẻ vàng thứ 2 sau một pha tranh chấp trên không với Văn Nam (U.19 Hà Nội), Hồng Sơn (PVF) đã phải rời sân. Tiền vệ trẻ này không hề có phản ứng và nhanh chóng đi phía băng ghế chỉ đạo đội nhà để bắt tay các thầy và tiến đến chổ HLV U.19 Hà Nội – Vũ Hồng Việt để chào trước khi đi vào trong.

Hành động đẹp của Hồng Sơn được nhiều khán giả chứng kiến vỗ tay tán thưởng. Bởi một cầu thủ trẻ đã biết ứng xử đầy lễ phép sau tình huống “lỡ” phạm lỗi với đối thủ và bị đuổi rời sân.

Trước hành động của Hồng Sơn, HLV Vũ Hồng Việt nở nụ cười rất tươi và không hề trách em. HLV này cho rằng điều ấy là cần thiết với bất kỳ cầu thủ trẻ nào về vấn đề đạo đức và văn hóa cư xử trên sân. Đặc biệt, sân chơi chuyên nghiệp V.League đang báo động về vấn đề đá xấu. Thế nên, các cầu thủ trẻ được dạy bảo từ sân chơi trẻ là điều hết sức đáng mừng.

HLV Việt Thắng trong buổi trả lời tuyển sinh vừa qua đã có chia sẻ chân thành khi nhiều em hỏi nếu không học văn hóa, có tài năng liệu có được thi vào PVF không. Anh Thắng tâm sự: Đời cầu thủ ngắn lắm và đầy vất vả. Vậy nếu ngay từ bây giờ cầu thủ không được học hành, đào tạo bài bản thì e sau này đường đời sẽ lắm gian nan.

Vào PVF ngoài chuyện học chuyên môn, các em học viên còn được sự kèm cặp sát sao của thầy cô trên lớp, học phụ đạo văn hóa tại Trung tâm.

Sự nghiệp “quần đùi áo số” còn một nỗi sợ nữa hay đúng hơn là ám ảnh về chấn thương, nhất là những chấn thương nặng. Quãng thời gian điều trị thực sự là một thử thách về tư tưởng-tựa như hòn đá tảng đè nặng lên đôi chân cầu thủ.

Bạn còn nhớ “người nhện” Phan Văn Biểu, thủ môn xuất sắc của PVF chứ? Các huấn luyện nói em chơi rất hay, bay như chim, nhảy như sóc trong khung thành. Hai trận chung kết U17 và hạng Nhì Quốc gia ở năm 2015 và 2016, Biểu đều xuất sắc đẩy được 2 cút sút phạt 11m khi PVF và đội còn lại phải giải quyết thắng thua trên chấm phạt đền.

Sự nghiệp đang lên, cánh cửa vào các đội tuyển rộng mở, vậy mà chấn thương ở đôi bàn tay khiến em phải nằm dài trên giường bệnh thay vì bay nhảy với khoảng trời ngoài sân bóng của em.

Điều hạnh phúc khi suốt thời gian qua, các HLV, các cầu thủ vẫn hàng ngày lên tâm sự, trò chuyện và động viên em. Đấy là liều doping vô cùng lớn với cầu thủ.

Ở PVF luôn là một tập thể đoàn kết và giúp đỡ nhau. Bởi tất cả chúng tôi đều có chung một con đường, một đam mê, một khao khát cháy bỏng với trái bóng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *