Bàn luận về nhiệt huyết của cầu thủ

Ngày cập nhật30/06/2020

Đôi khi tôi ước rằng bóng đá chỉ đơn giản như những gì người hâm mộ nghĩ!

Gimp070 Passion

Tôi hay nghe những chương trình trò chuyện với khán giả trên đài phát thanh trên đường về sau trận đấu hoặc sau buổi tập. Đây là hững gì tôi luôn nghe được từ tuần này sang tuần khác: “Đội bóng của tôi thi đấu thật vô hồn!”, “Từ lúc chuyển tới đây, anh ta chẳng thể hiện được chút nhiệt huyết nào!”, “Tinh thần của anh ta quá kém!”.

Cầu thủ này đá thiếu nhiệt huyết. Cầu thủ kia không có tinh thần. Cả đội chơi bóng một cách vô hồn. Cái đội đấy cần phải bơm thêm “nhiệt huyết” vào người.
Ước gì tôi cũng có được cái nhiệt huyết như người ta nói. Như vậy thì công việc của tôi sẽ đơn giản hơn nhiều (không kể các việc quản lí đau đầu!)

“Nhiệt huyết” trong bóng đá quả là một từ đầy cuốn hút. Chạy nhiều, tập luyện chăm chỉ hơn hết thảy mọi người khác, thử thách bản thân với các bài tập sức mạnh… đó là những hành vi mà mọi người thường gọi nó với cái tên “nhiệt huyết”. Và đó cũng là những hành vi mà nhiều cầu thủ nổi tiếng thể hiện ra, tôi không thể phủ nhận điều đó.

Nhưng hiệu suất trong bóng đá chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chỉ phụ thuộc vào nhiệt huyết cao. Hiệu suất thi đấu phải dựa trên cơ sở khoa học! Nó phụ thuộc vào cách cơ thể con người vận hành.

Gần đây tôi nói chuyện với một cựu cầu thủ rugby người Pháp. Sau khi biết rằng tôi là một chuyên gia tâm lí thể thao, anh ấy chia sẻ rằng vấn đề của anh không phải ý chí chiến thắng, không phải tâm lí sẵn sàng, càng không phải thiếu nhiệt huyết. Anh giải thích rằng vấn đề của anh là không thể kiểm soát được cảm xúc, ý chí và sự hung hăng trong tính cách. Vấn đề ở đây là anh ấy quá nhiệt huyết trong việc mong muốn thi đấu thật tốt, dẫn đến việc để cảm xúc điều khiển lí trí. Dần dần những cảm xúc, ý chí đó khiến anh không còn thi đấu một cách thông minh. Anh không hề biết rằng “nhiệt huyết” đó đã đặt một áp lực lớn lên lí trí khi thi đấu của anh.

Đó chính xác là những gì tất cả cầu thủ bóng đá đang phải trải qua. Và nó nên là điều mà tất cả các cổ động viên, huấn luyện viên hay người thân của các cầu thủ nên hiểu được. Bóng đá cần nhiều trí tuệ hơn là nhuệ khí. Cầu thủ phải suy nghĩ nhiều hơn là sử dụng nhiệt huyết từ cảm xúc. Điều này không có nghĩa rằng những cảm xúc tích cực (và thậm chí một vài cảm xúc tiêu cực) không quan trọng đối với cầu thủ và đội bóng. Quan trọng là làm sao để kiểm soát và hòa hợp cảm xúc cùng lí trí để tạo nên hiệu suất thi đấu tốt nhất cho cầu thủ.
Sự thật (hoặc ít nhất là một giả thuyết khoa học gần với sự thật) về cái gọi là nhiệt huyết và hiệu suất thi đấu đã được tìm ra từ giữa thế kỉ 20. Đúng vậy, từ tận hồi đó luôn! Chính xác thì câu trả lời đến với chúng ta vào năm 1959. Vào năm đó, một chuyên gia tâm lí tên J A Easterbrook đã tổ chức một vài thí nghiệm để hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa nhiệt huyết, sự tập trung và hiệu suất thi đấu. Dưới đây là những gì ông tìm ra.

Từ những thí nghiệm, ông thấy rằng nhiệt huyết tạo ra khả năng tập trung rất lớn. Trong trạng thái thư giãn (không có cảm xúc mạnh, không nhiệt huyết), con người có thể quan sát được một lượng lớn các thông tin xung quanh mình, cả những thông tin liên quan và không liên quan tới mình. Và nếu gắn nó vào trong bóng đá, điều này không tốt cho hiệu suất thi đấu. Khi bạn chơi bóng đá với bạn bè ở công viên, lúc này tâm trí bạn đang thoải mái, mọi người chuyền bóng cho nhau vui vẻ. Đây là lúc mà cảm xúc, nhiệt huyết khi thi đấu của bạn thấp. Bạn tập trung vào trái bóng nhưng cũng có thể chú ý tới những thứ xung quanh như ai đó đang dắt chó đi dạo. Điều này sẽ khiến bạn không thi đấu đúng với 100% khả năng, bạn có nguy cơ mất tập trung, thi đấu thiếu hiệu quả. Những cầu thủ như thế chắc chắn cần một liều nhiệt huyết tiêm vào người! (Dĩ nhiên là không cầu thủ chuyên nghiệp nào lại chơi bóng như vậy cả!)

Ở mức độ cảm xúc lớn hơn, những thông tin ngoài lề sẽ được chắt lọc và bỏ qua, sự tập trung dành chỗ cho những thông tin quan trọng. Nói một cách đơn giản, đây là mức độ lí tưởng của cảm xúc. Đây là lúc nhiệt huyết phát huy tác dụng! Ở mức độ này, người dắt chó đi dạo sẽ biến mất, bạn sẽ chú ý vào việc chơi bóng nhiều hơn. Đây chính là “trạng thái tinh thần” mà tôi muốn các cầu thủ có khi thi đấu. Dù mỗi người sẽ có một tâm trạng khác nhau, nhưng về số đông thì đây là tâm trạng mà tôi muốn hướng tới. Nếu như bạn nhớ tới tất cả những kĩ thuật tôi từng nói trong những cuốn sách của mình thì đây cũng là thứ mà tôi muốn nói lên để giúp cầu thủ ở tất cả các lứa tuổi có thể tìm ra trạng thái ổn định nhất (để ít nhất chúng ta có cái đó tốt hơn đối thủ!!)

Và dĩ nhiên chúng ta có cả trạng thái “quá nhiệt huyết”…

Quá nhiều cảm xúc, nhiệt huyết sẽ khiến hiệu suất thi đấu của cầu thủ suy giảm. Lí do là bởi khi cảm xúc dâng lên, con người sẽ trở nên quá tập trung. Xét trong khía cạnh bóng đá, cầu thủ sẽ bỏ sót những thông tin ngoại vi cần thiết, chỉ nhìn cuộc chơi theo một hướng phiến diện. Bóng đá là một môn thể thao phức tạp, các thông tin liên tục được đưa đến trước mắt buộc cầu thủ phải đưa ra những quyết định hành động. Vì vậy, hiệu suất thi đấu sẽ bị ảnh hưởng: nhận thức kém đi, can thiệp tình huống chậm hơn, quyết định xử lí thiếu chính xác…
Và đó là lí do tại sao nhiệt huyết lại là một vấn đề. Cầu thủ không thể cứ chạy như những con gà không đầu. Cầu thủ phải đủ tỉnh táo để nhìn nhận những gì xảy ra xung quanh mình. Cầu thủ phải biết làm sao để liên tục giải quyết những bài toán trên sân.

Đây là những gì tôi muốn nói với các bạn, hay các cầu thủ của bạn. Hãy thi đấu với tinh thần nhiệt huyết vừa đủ, phù hợp. Thi đấu với trí thông minh hòa hợp nhiệt huyết với bóng đá và bạn sẽ có được thành công.

  • Hoàng Việt (dịch). Theo Dan Abrahams. Link gốc: https://danabrahams.com/blog/2018/the-problem-with-the-passionate-soccer-player/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *