Bao nhiêu tuổi là “quá sớm” để bắt đầu tập luyện thể chất?

Ngày cập nhật25 Tháng hai, 2020

Chúng ta vẫn thường được nghe rằng một người trẻ không nên tập luyện thể chất cho đến khi cơ thể đã phát triển đầy đủ (qua 18 tuổi). Điều đó có đúng hay không?

Phát triển thể chất cho thiếu niên là vấn đề quan trọng, nhất là trong khoa học thể thao ngày nay. Trong bài viết này, Chuyên viên khoa học thể thao PVF Lê Cao Cường sẽ cùng phân tích và đưa ra mô hình nghiên cứu trên thế giới cũng như thực tế đang áp dụng tại PVF. Ở bài đầu tiên, cùng PVF tìm hiểu bao nhiêu tuổi được xem là “quá sớm” để bắt đầu tập luyện thể chất.

1

Đây là một trong những nghiên cứu/inforgraphic ấn tượng nhất trong vài năm trở lại đây trong giới khoa học thể thao, ra đời năm 2014 trên tạp chí học thuật ACSM, Hoa Kỳ. Các nhà khoa học đã tổng hợp nhiều nghiên cứu học thuật trên các vận động viên ở nhiều môn thể thao/lứa tuổi khác nhau và phác hoạ ra một mô hình lý thuyết mẫu. Mô hình này bao gồm 4 trường hợp giả định và hiệu ứng của chúng với tiềm năng của hệ thần kinh cơ bắp (neuromuscular system) của mỗi người khi trưởng thành. 4 trường hợp này bao gồm:
• Trẻ em không tập luyện bất kỳ một môn thể thao nào
• Trẻ em chỉ chơi một môn thể thao đơn thuần
• Trẻ em tập luyện thể chất từ tuổi vị thành niên (12-18 tuổi)
• Trẻ em tập luyện thể chất trước tuổi vị thành niên (trước 12 tuổi / trước tuổi dậy thì)

Mô hình tập luyện thể chất được nghiên cứu ở đây là Integrative Neuromuscular Training, tạm dịch là Mô Hình Tập Luyện Hệ Thần Kinh Cơ Bắp Tích Hợp, bao gồm:
• Tập luyện sức mạnh kháng lực (resistance training),
• Các bài tập thử thách sự ổn định (dynamic stability),
• Tập luyện core (Tập luyện vùng cốt lõi)
• Plyometrics và sự nhanh nhẹn (Agility).
Kết quả nghiên cứu cho thấy:
• Những đứa trẻ không tập luyện gì sẽ có sự phát triển hệ thần kinh cơ bắp DƯỚI mức tiềm năng khi trường thành.
• Những đứa trẻ chỉ chơi thể thao đơn thuần sẽ CHẠM được ngưỡng tiềm năng của mình khi trường thành.
• Những đứa trẻ tập luyện thể chất một cách khoa học từ tuổi vị thành niên (tuổi dậy thì) sẽ VƯỢT QUA tiềm năng của mình khi trường thành.
• Những đứa trẻ tập luyện thể chất một cách khoa học từ trước tuổi vị thành niên (trước tuổi dậy thì) sẽ VƯỢT XA qua khỏi tiềm năng của mình khi trưởng thành.

Xin nhấn mạnh, “tiềm năng” ở đây là ở hệ thần kinh cơ bắp chứ không phải tiềm năng của tất cả mọi thứ. Hệ thần kinh cơ bắp chỉ là một trong những yếu tố quan trọng trong việc quyết định những đứa trẻ đó có trở nên thành công với môn thể thao chúng chọn hay không. Nghiên cứu này KHÔNG khảo sát các yếu tố khác như tiềm năng về kĩ thuật, chiến thuật, giác quan, v.v …
Kết luận:
Đối với thể thao chuyên nghiệp: Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định việc phát triển một vận động viên ưu tú thật sự phải bắt đầu từ bé, từ trước tuổi dậy thì hoặc chí ít là từ giai đoạn vị thành niên. Nếu không thì những đứa trẻ này sẽ rất khó có thể đạt tới hoặc vượt qua ngưỡng tiềm năng thể chất tốt nhất của chúng.

Đối với cộng đồng: trẻ em cần phải tập luyện phát triển thể chất từ bé, hoặc chơi một môn thể thao nào đó để tối ưu hoá tiềm năng thể chất của chúng khi trưởng thành. Điều quan trọng là phải tập luyện đúng phương pháp.

(Nguồn thông tin đối chiếu: Myer, G. D., Lloyd, R. S., Brent, J. L., & Faigenbaum, A. D. (2013). How Young is “Too Young” to Start Training? ACSM’s Health & Fitness Journal, 17(5), 14–23. http://doi.org/10.1249/FIT.0b013e3182a06c59)

Hết phần 1 (còn tiếp)

  • Lê Cao Cường/PVF

 

Tháng hai 25, 2020 2:57 chiều

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *