22 Tháng mười hai, 2016 |
Bên cạnh giấc mơ kinh tế, người Trung Quốc còn có một giấc mơ khác, đó là đánh bại các siêu cường bóng đá như Đức và Brazil.
Ở một trường tiểu học thuộc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) trong lễ khai giảng năm học mới, người ta chờ đợi một nhân vật quan trọng. Nhưng không giống những buổi khai giảng thông thường, nơi ngồi ở hàng ghế đầu là những nhân vật chính trị, buổi lễ hôm nay chào đón Tom Byer, một vị khách phương xa.
Năm nay 55 tuổi, Tom Byer là giáo viên bóng đá từ New York. Từ Sơn Tây, ông sẽ bắt đầu hành trình của mình qua 32 thành phố lớn của Trung Quốc như một phần trong kế hoạch biến nước này trở thành cường quốc bóng đá.
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc muốn đào tạo đội hình với mục tiêu vượt qua Brazil vào năm 2050. (Ảnh: Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người lãnh đạo đất nước muốn đào tạo hơn 30 triệu cậu bé trở thành cầu thủ bóng đá, và đến năm 2050 người Trung Quốc có một đội tuyển quốc gia đủ mạnh để đánh bại Đức, Brazil hay Argentina.
Andrew Nathan, giáo sư nghiên cứu chính trị của trường đại học Colombia (New York), mô tả tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình là “đưa đất nước Trung Quốc trở nên vĩ đại”.
Chiến thắng trong thể thao cũng là chiến thắng. Và với quy mô dân số cùng tiềm lực hiện tại, điều đó có vẻ khả thi hơn những tham vọng về quân sự hay kinh tế.
Chính quyền Trung Quốc muốn có hơn 70.000 sân bóng vào năm 2020 và đang thuê HLV từ khắp nơi trên thế giới.
Trở lại câu chuyện về Tom Byer, ông đã rất nổi tiếng ở Nhật Bản vì giúp thay đổi bộ mặt nền bóng đá nước này. Byer có mặt trên sóng truyền hình xứ sở hoa anh đào suốt 15 năm qua, sở hữu cả một bộ truyện tranh ăn khách về các bài học bóng đá của mình.
Rất nhiều trường bóng đá mọc lên ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)
Trong 15 năm đó, Nhật Bản phát triển từ một nền bóng đá hạng xoàng lên một nền bóng đá vô địch châu Á 4 lần. Byer khẳng định mục tiêu của bóng đá Trung Quốc “hoàn toàn khả thi”. Người Trung Quốc đang tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển bóng đá.
“Chính phủ Trung Quốc là những người duy nhất trên thế giới đưa yếu tố chính trị đằng sau bóng đá”, Byer nói. Ông là tác giả của cuốn sách “Bóng đá xuất phát từ nhà” nổi tiếng tại Nhật Bản. Với sự quyết tâm của chính quyền, người ta có lý do để hy vọng.
Chủ tịch Tập đã công bố kế hoạch 50 điểm vào năm ngoái để đưa bóng đá Trung Quốc lên tầm cường quốc. Các tập đoàn kinh tế trong nước nhanh chóng hưởng ứng khi đổ cả đống tiền để đưa về những ngôi sao Brazil như Alex Teixeira, Ramires hay Hulk.
Dalian Wanda Group và Alibaba Group – hai tập đoàn kinh tế hùng mạnh của nước này – đã chi 1,7 tỷ đô la cho bóng đá kể từ năm 2015, theo thống kê từ Bloomberg. Năm năm trước, chúng chỉ là con số 0.
Nhưng lúc này đội tuyển Trung Quốc lại thi đấu rất nhợt nhạt. (Ảnh: Gettty Images)
Nhưng kế hoạch 50 điểm của chủ tịch Tập không phải không có những bất cập. Chủ tịch China ClubFootball FC, ông Briton Rowan Simons tin “hàng tỷ đô la đã bị lãng phí” vì cách mua sắm và đầu tư vô tội vạ của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Đội tuyển Trung Quốc đang xếp thứ 78 trên bảng xếp hạng của FIFA, chỉ hơn đảo Guinea (dân số 1,2 triệu người) 3 bậc. Năm ngoái, họ đón nhận cú sốc cực lớn khi không thể đánh bại Hong Kong 2 lần, dù đội bóng có nhiều duyên nợ với Trung Quốc đang xếp hạng 142 thế giới.
Thứ ba (11/10) vừa qua, Trung Quốc thua Uzbekistan 0-2 ở vòng sơ loại cuối cùng và gần như kết thúc giấc mơ World Cup 2018. HLV trưởng Gao Hongbo từ chức ngay sau trận. Họ chỉ có duy nhất 1 điểm sau 4 trận đấu tại vòng lại. còn tới 6 trận đấu nữa, nhưng cơ hội đã hết.
Và còn một vấn đề nữa đến từ các bậc phụ huynh. Đó có lẽ là thử thách lớn nhất. Các bậc cha mẹ Trung Quốc không quá hào hứng với viễn cảnh con mình theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Zhao Tingting – một bà mẹ ở tỉnh Tế Ninh – than phiền rằng con trai 8 tuổi của bà không có thời gian để chơi bóng đá. Ngoài thời gian ở trường, cậu phải học thêm thư pháp, piano, tiếng Anh và chơi xếp hình Lego (để cải thiện trí thông minh và sáng tạo).
“Tôi muốn nó tập trung vào việc học”, bà mẹ 34 tuổi nói. “Còn quá ít thời gian trống cho thể thao.”
Trang Bloomberg cũng nhận định tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã đem lại quá nhiều gánh nặng cho Trung Quốc. Về tiền bạc lẫn công sức. Tín hiệu đã được phát ra, nhưng từ giấc mơ đến hiện thực là một khoảng cách rất xa. Một cuộc trường chinh nữa lại bắt đầu.
Tháng mười hai 22, 2016 3:48 chiều