Giấc mơ World Cup từ Vòng chung kết giải U19 quốc gia

Ngày cập nhật15/03/2019

Không phải ngẫu nhiên mà Vòng chung kết giải bóng đá U.19 quốc gia 2019 đang diễn ra ở Pleiku được kỳ vọng sẽ phần nào biến giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam thành hiện thực.

Gần 220 cầu thủ của 8 đội bóng đã có mặt tranh tài tại Vòng chung kết (VCK) giải bóng đá U.19 trong những ngày qua và nếu tính chung tổng cộng 22 đội đã đá ở vòng loại thì con số cầu thủ xuất hiện ở sân chơi U.19 là trên 550 người.

Điều đó cho thấy lực lượng bóng đá trẻ ở Việt Nam không hề nhỏ. Cứ mỗi lần xuất hiện tại VCK U.19 thì trước sự quan tâm của dư luận, sự kỳ vọng của CLB và sự thử thách ở đỉnh cao, cũng đã có rất nhiều tên tuổi nổi bật bước ra, giờ đây đã và đang cống hiến tốt cho đội tuyển quốc gia hay U.23 như Quang Hải, Tiến Linh, Hoàng Đức, Danh Trung..

Ngoài ra không ít cầu thủ khác cũng đã trưởng thành từ giải đấu này và dần trở thành trụ cột của các CLB ở V-League. Chính vì thế các CLB đều xem U.19 chính là bệ phóng quan trọng nhưng các cầu thủ có “cất cánh” được hay không thì lại phụ thuộc vào sự nỗ lực cố gắng cũng như khả năng nắm bắt cơ hội của mỗi người.

Hơn nửa VFF và giám đốc kỹ thuật của các CLB hay các trung tâm đào tạo trẻ phải ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung trong việc nâng tầm cho các cầu thủ trẻ hiện nay giúp họ trưởng thành một cách mạnh mẽ.

Chẳng hạn nhiều cái tên đã bật sáng ở VCK giải U.19 lần này đáng kể như Trần Mạnh Quỳnh, Đặng Quang Tú, Nguyễn Xuân Bình, Nguyễn Ngọc Bá, Nguyễn Văn Bách (SLNA), Phạm Xuân Tạo, Phạm Bá Thảo, Võ Minh Đan, Tạ Dương Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Thi (SHB Đà Nẵng), Bùi Long Nhật, Ngô Đức Hoàng, Nguyễn Văn Tùng, Vũ Tiến Long, Quan Văn Chuẩn (Hà Nội), Nguyễn Thanh Khôi, Phan Du Học, Hoàng Vĩnh Nguyên, Nguyễn Quốc Việt (HAGL), Nguyễn Kim Nhật, Bùi Tiến Sinh, Phan Tuấn Tài (Viettel), Kha Tấn Tài (An Giang), Võ Hoàng Minh Khoa (Becamex Bình Dương).

2

HLV Graechen Guilliam và các HLV của HAGL lăng nghe trình bày Giấc mơ World Cup từ lứa U.19 (Ảnh: Khả Hòa).

Bệ phóng đã có từ VCK U.19 nhưng để hiện thực hóa giấc mơ World Cup của bóng đá Việt thì việc đầu tiên phải tạo cơ hội cho những tài năng từ sân chơi U.19 này được cọ xát thi đấu nhiều. Qua nghiên cứu theo ông Philippe Troussier, giám đốc kỹ thuật PVF có một thực tế là rất ít cầu thủ từ U.19 có thể nhảy lên chơi ở hạng nhất hay V-League nên số trận thi đấu chính thức của họ nếu chỉ đơn thuần là giải U.19 thì chỉ trên dưới 12-15 trận/ năm. Một con số quá ít không thể giúp cầu thủ tích lũy hành trang tốt để khi bước lên đội tuyển trẻ đủ tự tin để thi đấu quốc tế.

3

Ông Troussier trình bày lý do vì sao cầu thủ U.19 thi đấu quá ít trận trong năm. (Ảnh: Khả Hòa)

Đối chiếu với các giải trong khu vực thôi thì số trận đấu của cầu thủ trẻ Việt Nam còn quá ít ỏi. Ông Troussier nhấn mạnh một năm Thái Lan, Malaysia hay Myanmar cho những tài năng trẻ của họ đá giải trong nước thôi cũng phải từ 30 đến 40 trận, đá thêm khoảng 15-20 trận ở các cấp độ quốc tế, tính ra mỗi cầu thủ có được nền tảng khoảng trên dưới 50 trận đấu.

Vì thế để nuôi dưỡng và phát triển tài năng U.19 thì không có con đường nào khác hoặc tập hợp họ thành một đội bóng riêng biệt đầu tư có chiều sâu cho tranh tài ở sân chơi trong nước như kiểu Malaysia và Singapore từng làm hoặc tăng viện cho các đội hạng nhất, hạng nhì với điều kiện các tài năng này phải được thi đấu thường xuyên.

Trên cơ sở đó từng đợt một đưa họ bước ra vũ đài quốc tế để cọ xát, trui rèn trận mạc. Như thế mới hy vọng có nhiều tài năng trẻ được tiếp tục phát triển để trở thành những ngôi sao của bóng đá Việt Nam trong một tương lai không xa.

4

Ông Troussier chia sẻ kinh nghiệm làm trẻ của mình ở nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: Khả Hòa).

Hầu hết các nhà cầm quân tại giải U.19 đều cho rằng tạo điều kiện cho cầu thủ thi đấu nhiều hơn ở lứa tuổi U.19 theo chiến lược dài hạn của PVF đưa ra là rất cần thiết. Cái khó lớn nhất hiện nay là CLB dù rất ủng hộ chủ trương lập nên một đội bóng giả dụ với tên gọi là “ giấc mơ World Cup” nhưng để giải phóng cầu thủ mình đang quản lý cho đội bóng tiềm năng này không hề dễ dàng vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Trong đó điều quan ngai nhất là chất lượng cầu thủ giỏi của Việt Nam không nhiều, nếu CLB cho đi một thời gian ngắn thì không vấn đề gì nhưng nếu tập trung dài hạn 3 năm, 5 năm hay 7 năm cho giấc mơ World Cup thì lập tức sẽ xuất hiện lo ngại hụt hẫng lực lượng kế thừa.

5

Trưởng đoàn SLNA Nguyễn Đình Nghĩa phát biểu. (Khả Hòa).

6

Trưởng đoàn HAGL Huỳnh Văn Ảnh đóng góp

7

HLV trưởng đội Hà Nội Vũ Hồng Việt bày tỏ sự quan tâm làm sao sử dụng lực lượng U.19 tốt hơn

8

HLV Nguyễn Đình Thuần của SHB Đà Nẵng góp ý

Vì thế để có sự đồng thuận từ các bên có liên quan cho chiến dịch World Cup 2026 hay 2030 là bài toán mà VFF phải giải từng bước với các CLB. Bản thân những người đang làm công tác đào tạo trẻ cũng phải có sự chuyển biến về nhận thức và cái chính là VFF phải có một cuộc “ Hội nghị Diên Hồng” với tất cả các lò đào tạo, các CLB
Nhiều ý kiến cho rằng VFF cần có định hướng tính toán để triển khai sớm việc sử dụng nguổn nhân lực U.19 một cách hiệu quả nhất trên cơ sở vẫn hài hòa với hệ thống thi đấu. Phải có những giải pháp thiết thực nhất, tận dụng được nguồn đầu tư vốn có và quan hệ mạnh mẽ ở các sân chơi quốc tế thông qua vai trò ông Troussier của PVF.

9

HLV Đinh Văn Dũng nêu bật vai trò VFF trong việc định hướng cũng như sự ủng hộ từ truyền thông

Nhưng bên cạnh đó VFF cũng cần phải tính toán sao cho đừng làm thiệt thòi giá trị và bản sắc của các CLB. Bài toán đó đòi hỏi một cách tính chiến lược căn cơ và cụ thể để làm sao tài năng U.19 phải được đầu tư có chọn lọc. Có vậy thì giấc mơ World Cup từ sân chơi VCK U.19 mới thực sự hiệu quả.

Bệ phóng tài năng trẻ từ VCK U19

Từ trước đến nay, giải bóng đá U19 quốc gia vẫn luôn được coi là bệ phóng cho các tài năng trẻ. Bằng chứng là không ít cầu thủ sau khi tỏa sáng ở các VCK giải U19 quốc gia đã tiếp tục gặt hái được những thành công ở các giải đấu lớn hơn. Chẳng nói đâu xa, nếu chúng ta nhìn vào danh sách tập trung của đội tuyển U23 Việt Nam hiện nay chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2020, không khó để nhận ra khá nhiều gương mặt đã từng tỏa sáng ở các VCK U19 quốc gia trước đây. Trần Danh Trung từng là Vua phá lưới của giải đấu cách đây 2 năm trong màu áo của U19 Viettel với thành tích ghi được 6 bàn. Trước đó 1 năm, Hoàng Đức khi đó cũng khoác áo U19 Viettel từng được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất của VCK U19 quốc gia 2016. Rồi tiền đạo Tiến Linh từng là Vua phá lưới của giải U19 quốc gia 2015 với thành tích ghi được 5 bàn cho U19 Bình Dương. Nổi tiếng nhất là Quả bóng vàng Việt Nam 2018 – tiền vệ Nguyễn Quang Hải. Năm 2014 khi đó mới 17 tuổi, Quang Hải trong màu áo U19 Hà Nội đã có một giải đấu chói sáng và giành được danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất VCK U19 quốc gia năm đó. (Thùy Trâm)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *