17/02/2020 |
Cùng với CLB Hà Nội, PVF là lò đào tạo đóng góp rất nhiều cho U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30.
5 cầu thủ trưởng thành từ PVF đã góp mặt trong danh sách 20 tuyển thủ U22 Việt Nam tham dự SEA Games 30, tương đương 25%. Đó là một con số nói lên nhiều điều. Ba người trong số ấy đá chính là Đỗ Thanh Thịnh, Lê Ngọc Bảo và Hà Đức Chinh.
Nhân số đóng góp tương tự của lò đào tạo lừng danh CLB Hà Nội chỉ là 4 người. Hai lò danh tiếng khác của HAGL và Viettel có mỗi đội 2 người. Không sai khi nói, HLV Park Hang-seo sẽ khó giành vinh quang SEA Games nếu thiếu PVF.
Đấy không phải lần đầu tiên, lò đào tạo trẻ đặt trụ sở tại Hưng Yên thể hiện tầm ảnh hưởng của mình.
Giải U19 châu Á 2016, hai cầu thủ của PVF ghi bàn, góp công đưa Việt Nam tới World Cup trẻ là Đức Chinh, Hồ Minh Dĩ, chiếm 50% số bàn thắng của toàn đội. Từ đó, thành công liên tiếp đến với bóng đá Việt Nam. Đội U20 đi World Cup, đội U23 giành á quân châu Á, đội tuyển vô địch AFF Cup… tất cả đều có dấu chân của người PVF. Minh Dĩ, Đức Chinh ở đội U19 , Thái Quý, Tiến Dụng ở đội U23 còn Đức Chinh ở đội tuyển vô địch AFF Cup.
Có tình cờ không?
Những người tinh ý sẽ thấy HLV Park Hang-seo luôn dành ưu tiên cho các cầu thủ đang chơi tại V.League khi chốt danh sách U22 Việt Nam. Người duy nhất không đá V.League nhưng vẫn dự SEA Games 30, thậm chí ra sân khá nhiều là Lê Ngọc Bảo, một cái tên trưởng thành từ PVF.
Bản thân những cầu thủ PVF cũng có xuất phát điểm thấp hơn hẳn đồng nghiệp trong cuộc chiến giành suất lên tuyển U22 Việt Nam. Bởi lò đào tạo này hiện chưa có đội dự V.League. Muốn chinh phục thầy Park, cầu thủ PVF hoặc phải chơi cực hay ở Phố Hiến (như Ngọc Bảo), hoặc phải đi “đường vòng” thông qua những CLB V.League khác.
Là cầu thủ trẻ, không trưởng thành từ lò đào tạo địa phương, họ chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn ở đội bóng khác. Ngoài Ngọc Bảo, Thanh Thịnh, Đức Chinh, Thái Quý, Tiến Dụng đều đang chơi bóng xa nhà, đều khoác áo các CLB bạn. Họ phải vượt trội cầu thủ trẻ địa phương, phải chiến thắng các đàn anh, những “ma cũ” trước khi lên tuyển.
Từng ấy đủ nói lên năng lực riêng của họ đồng thời cho thấy chất lượng đào tạo của trung tâm này. Chiến thắng về số lượng của họ trước CLB Hà Nội hay HAGL ở SEA Games 30 rõ ràng không phải kết quả ăn may.
Thành quả của PVF là điều tất yếu sau một quá trình phát triển hơn 10 năm. Từ lời gợi ý của nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, PVF đã khai giảng khóa đầu tại TP.HCM hồi tháng 6/2009. Trải qua hơn một thập kỷ phát triển, với các kỳ tuyển sinh đều đặn sau mỗi 2 năm, PVF ngày nay là một trung tâm đào tạo có chiều sâu, vận hành ổn định bậc nhất Việt Nam.
Cơ sở mới của PVF ở Hưng Yên hiện là hệ thống sân tập tốt nhất Việt Nam với 6 sân 11 người tiêu chuẩn, một khán đài 3.600 chỗ ngồi, mái che rộng 8.800 m2. Ký túc xá PVF có 7 tầng với hệ thống nhà ăn, thư viện, phòng chiếu phim, khu vui chơi… hiện đại bậc nhất. HLV Park Hang-seo khi tới thăm PVF từng nói nếu có thêm nhiều lò đào tạo giống thế này, Việt Nam có thể nghĩ về World Cup.
Suốt quá trình vận hành của mình, PVF đã góp phần xóa bỏ 2 rào cản lâu năm trong việc đào tạo trẻ ở Việt Nam.
Thứ nhất, lò đào tạo này đã cùng với HAGL, Viettel hay CLB Hà Nội tiến hành những cuộc tuyển chọn trên phạm vi rộng lớn, hỗ trợ thí sinh, từng bước xóa nhòa các ngăn cách về địa lý, điều kiện sống, gia tăng cơ hội tìm kiếm tài năng trẻ. Tại PVF, có thể tìm thấy cả những đứa trẻ ở Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An hay những tài năng từ duyên hải Nam Trung bộ, Nam bộ. Khi số lượng đầu vào tăng, chất lượng đầu ra lập tức được cải thiện.
Thứ hai, PVF vận hành và quản lý cấp cao bởi đội ngũ chuyên gia đẳng cấp từ nước ngoài như Ryan Giggs hay Philippe Troussier, đào tạo theo cùng một giáo trình thống nhất từ trên xuống dưới, áp dụng một lối chơi xuyên suốt tất cả các tuyến. Điều đó tạo ra sự thống nhất, đồng thời bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản, xô đổ lối đào tạo theo kiểu kinh nghiệm vẫn hiện hữu ở nhiều lò đào tạo của Việt Nam hiện nay.
Nhờ vậy, cầu thủ PVF thường có kỹ thuật cơ bản tốt, chơi được nhiều vị trí, thích nghi tốt với các CLB khác nhau. Đức Chinh, Thanh Thịnh chơi trong hệ thống bóng dài, ưu tiên ngoại binh ở Đà Nẵng. Thái Quý, Minh Dĩ đá bóng ngắn, kiểm soát ở CLB Hà Nội. Thử so sánh với cầu thủ HAGL vốn chỉ thích nghi với lối đá kiểm soát, ta sẽ thấy sự khác biệt.
Hơn 10 năm đã qua kể từ ngày lứa 1 PVF bước vào học viện, hàng chục cầu thủ PVF đã tốt nghiệp và được gửi tới nhiều CLB V.League lẫn hạng Nhất. Tỷ lệ học viên PVF trụ lại môi trường chuyên nghiệp rất cao. CLB Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng… đều đang có người của lò đào tạo này. Đội tuyển quốc gia, U23, U19 và U16 cũng tương tự.
Mục đích đào tạo cầu thủ cho các đội tuyển và V.League của PVF đã bước đầu thu được thành quả.
Tháng 7/2018, Olympic Việt Nam tập huấn tại PVF trước khi tham dự Asian Games 2018. HLV Park Hang-seo đã tỏ ra rất hài lòng với tình trạng cơ sở vật chất của trung tâm đào tạo này. Từ đó về sau, các đội tuyển thường xuyên chọn PVF làm nơi tập huấn. U22 Việt Nam trước khi đi SEA Games 30 và U19 Việt Nam trước khi dự vòng loại U19 châu Á 2020 đều có thời gian tập huấn tại đây.
Hầu hết trận giao hữu của U22 Việt Nam trong giai đoạn tập trung ngắn hạn đều diễn ra ở trung tâm này.
Nhiều tuyển thủ quốc gia và người từ các CLB V.League chấn thương cũng được gửi về PVF. Trần Đình Trọng, Phan Văn Đức, Nguyễn Phong Hồng Duy, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Tuấn Anh… là những tuyển thủ từng điều trị tại đây.
Quá trình hợp tác giữa PVF và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chắc chắn sẽ sâu rộng hơn sau hợp đồng tài trợ của Vingroup dành cho bóng đá Việt Nam. Giữa năm 2020, đội tuyển U19 Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Philippe Troussier, người cũng đang là Giám đốc kỹ thuật của PVF, sẽ tham gia giải giao hữu Toulon Tournament tại Pháp.
Bản thân cầu thủ PVF cũng đã tham dự hàng loạt giải đấu quốc tế suốt những năm qua như Rotterdam Cup 2019 ở Hà Lan, Giải quốc tế 13 Lenanrt Johansson ở Thụy Điển, Carpentras Cup tại Pháp… Đây là khác biệt lớn của lò đào tạo này so với các trung tâm khác tại Việt Nam, nơi cầu thủ trẻ hiếm có cơ hội cọ xát ở nước ngoài.
Chia sẻ trong buổi ký kết hợp đồng với CLB Sarajevo (Bosnia & Herzegovina), Tổng Giám đốc CLB bóng đá FK Sarajevo Sabrina Buljubasic cho biết các đội U19, U23 và tuyển quốc gia Việt Nam có thể sang tập huấn tại Bosnia & Herzegovina trong tương lai. Xa hơn nữa, cầu thủ PVF và cầu thủ Việt Nam có thể sang thi đấu tại Sarajevo, một đội bóng có suất đá Europa League.
Bà Buljubasic khẳng định: “Sau trận giao hữu giữa FK Sarajevo và đội tuyển U19 Việt Nam, chúng tôi rất bất ngờ với chất lượng cầu thủ trẻ của các bạn. Khả năng và tiềm năng của các cầu thủ trẻ Việt Nam tốt hơn chúng tôi nghĩ rất nhiều. Tất nhiên, chúng tôi chào đón tất cả các cầu thủ đã vượt qua tuyển chọn và chứng tỏ được tiềm năng có thể chơi bóng ở FK Sarajevo”.
Với cầu thủ trẻ, việc được thi đấu trong môi trường đỉnh cao sẽ giúp họ trưởng thành nhanh hơn. Mùa 2019, CLB Phố Hiến với phần lớn đội hình là các cầu thủ PVF đã suýt giành quyền thăng hạng. Với thực lực của mình, việc đội bóng này lên chơi tại V.League là chuyện một sớm một chiều.
Trong hành trình hướng tới World Cup 2026, lứa cầu thủ U19 hiện tại của HLV Troussier và lớp kế cận được xác định là lực lượng nòng cốt. Tuy nhiên, so với lứa Quang Hải, các lứa sau ít được thi đấu hơn.
HLV Troussier cho rằng: “Tôi tin rằng sự khác biệt về khả năng hoặc tiềm năng là không nhiều khi cả hai lứa cầu thủ này ở độ tuổi U19. Khác biệt nằm ở cơ hội thi đấu cọ xát mà họ được tham gia. Theo tôi biết, thế hệ cầu thủ trước có nhiều cơ hội tham gia thi đấu ở các giải chuyên nghiệp hơn, chẳng hạn như ở V-League hoặc giải hạng Nhất. Thi đấu nhiều chắc chắn sẽ khiến cầu thủ trưởng thành hơn. Tuy nhiên, trong đội của tôi vào lúc này, hầu như không có cầu thủ nào được đăng ký ra sân chứ chưa nói đến việc được chơi thường xuyên trong các giải chuyên nghiệp. Họ chỉ có khoảng 10 đến 15 trận đấu trong các giải đấu trẻ hàng năm và đó là một trở ngại lớn cho sự phát triển của họ”.
Nhằm cải thiện vấn đề đó trong dài hạn, lãnh đạo Vingroup và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã nhiều lần ngồi lại cùng nhau để tìm giải pháp. Trước đó, VFF từng nhiều lần muốn nâng cao số trận thi đấu mỗi năm cho cầu thủ trẻ nhưng chưa thực hiện được vì vấn đề kinh phí. Với sự hỗ trợ của đối tác, đề án này có cơ hội trở thành hiện tại.
Chia sẻ với Zing.vn, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Hội đồng Quản lý PVF, khẳng định: “Tập đoàn Vingroup mới đây đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam với VFF. Việc ký kết này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý để hai bên thống nhất các nội dung hợp tác cụ thể theo từng năm một. Theo đó, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh các công tác hỗ trợ đã thực hiện thời gian qua, mở rộng thêm một số hoạt động hỗ trợ trong thời gian tới theo kế hoạch của VFF, bao gồm: Đóng góp cho việc tập huấn quốc tế của các đội tuyển quốc gia, tổ chức thêm các trận đấu ở giải trẻ để đảm bảo thời gian thi đấu trong năm được dài hơn, số trận đấu tăng lên phục vụ phát triển cầu thủ trẻ hiệu quả hơn”.
Tháng 11/2019, Hội nghị Ban chấp hành VFF đã thông qua một đề xuất nhỏ nhưng mang tính cách mạng. Bắt đầu từ mùa 2020, VFF sẽ tổ chức Cúp quốc gia cho lứa U15 và U17. Trong tương lai gần, các hạng đấu khác như U11, U13, U19, U21 đều có thể có những giải tương tự. Số trận thi đấu cho cầu thủ trẻ mỗi năm sẽ tăng lên không ngừng.
Một ngày không xa, những viên gạch tưởng như rất nhỏ ấy có thể giúp bóng đá Việt Nam hoàn thành giấc mộng World Cup.
- Theo Zing.vn (Bài Thanh Hà/Đồ họa: Minh Hồng/ Ảnh: Minh Chiến, Thuận Thắng, Việt Hùng)