26/04/2019 |
Tại giải giao hữu quốc tế tại Hà Lan, đội U15 của Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam (PVF) đã có những thành công rất đáng hoan nghênh.
Vừa qua, tại giải giao hữu các học viện bóng đá quốc tế lứa tuổi U15, Việt Nam đã cử đội U15 PVF làm đại diện tham gia giải đấu.
Đội trẻ đã có cơ hội được cọ sát với các lò đào tạo đình đám châu Âu hiện tại như Aletico Madrid (Tây Ban Nha), RB Leipzig, TSG 1899, Hoffenheim (Đức), AZ Alkamaar, Sparta Rotterdam (Hà Lan), Tottenham Hotspur (Anh) và Club Brugge (Bỉ).
Giải đấu mang tên U15 Rotterdam Cup 2019, quy tụ 24 CLB U15, chia làm 6 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội.
U15 PVF đã lần lượt đánh bại U15 Orlando Pirates, U15 Ilves FC, U15 SBV Excelsior, và hòa U15 Tatran Presov. giành được 10 điểm sau 5 trận đấu, đạt thành tích nhì bảng A tại Rotterdam Cup 2019.
Với thành tích này, U15 PVF bước vào các trận tranh hạng 5 đến 8 với 3 đội bóng xếp thứ nhì có thành tích tốt nhất tại các bảng khác. Tuy nhiên U15 PVF đã nhận thất bại và chỉ đứng thứ 8 toàn giải.
Đoàn U15 PVF tại Hà Lan
Với những thành tích của mình, trang Fox Sport Asia đã có những nhận xét tuyệt vời: “Học viện PVF của Việt Nam đã xuất sắc giành vị trí thứ 8 chung cuộc. Họ cũng là đội bóng giành danh hiệu fair-play của giải đấu. U15 PVF đã xuất sắc xếp trên nhiều học viện bóng đá lớn trên thế giới như Slavia Praha (Séc, thứ 9), Club Brugge (Bỉ, thứ 13), Vancouver Whitecaps (Canada, thứ 15), Tottenham Hotspur (Anh, thứ 21).
Dấu ấn của U15 PVF vừa qua đã chứng minh Việt Nam đã không còn mờ nhạt trên bản đồ bóng đá thế giới. Đồng thời, điều ấy cũng chứng minh cách làm bóng đá của Việt Nam đang rất đúng hướng.
Các cầu thủ trẻ đã có cơ hội cọ xát quốc tế kể từ những lứa tuổi còn rất trẻ, thay vì chỉ thi đấu loanh quanh với các cấp độ CLB hay khu vực. Ngoài ra, giải giao hữu cấp độ học viện là một khái niệm khá mới với bóng đá Việt Nam.
Ấn tượng thể hiện được cũng cho thấy lứa cầu thủ kế cận của học viện PVF nói riêng, và cả nền bóng đá nói chung đã rất tài năng và gắn kết. Trong một sự phát triển như vậy, chúng ta hoàn toàn kỳ vọng sẽ có thể phá bỏ câu khẩu quyết “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam.
Vì sao có thế hệ vàng, bởi thời điểm trước, công tác đào tạo bóng đá trẻ không thực sự chuyên nghiệp, và chỉ có các tài năng theo kiểu thần đồng, thực sự nổi trội mới có thể mang lại những thành công đáng chú ý cho bóng đá nước nhà. Vì thế, những thế hệ vàng ấy cho khán giả sự thích thú nhất thời, nhưng không cho nền bóng đá một sự phát triển bền vững.
Kỷ niệm chương giải Fair-play của U15 PVF
Còn hiện tại, tre chưa già, măng đã mọc. Hãy nhìn U23 Việt Nam lứa 2018 và lứa 2019, họ có khác biệt, nhưng không phải không có điểm mạnh, điểm nổi trội. Các cầu thủ vàng của năm trước đang dẫn dắt những đàn em của năm sau, cứ thế bồi đắp cho nhau.
Hãy nhớ lời HLV Park Hang-seo nói, có thể trong 10 năm nữa, ông không còn là HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam. Nhưng trong 10 năm tới, Việt Nam phải bồi đắp bóng đá trẻ liên tục, mạnh mẽ hơn bây giờ, thì khi đó, kết hợp với một HLV đủ đẳng cấp, tâm, tài sẽ có thể chinh phục giấc mơ dự VCK World Cup.
Hãy nhìn vào lứa U15 này, và các độ tuổi khác, U17, U18, U19 cho đến U23, lứa nào chúng ta cũng có các cầu thủ nhiều tiềm năng. Vì thế, VFF cần tiếp tục thúc đẩy công tác đào tạo, để tiềm năng trở thành tài năng, và để giấc mơ trở thành hiện thực.
Các cầu thủ U15 có lối đá tự tin và giàu kỹ thuật
Thể hình của U15 PVF không thua kém so với các cầu thủ phương Tây
- Hồng Hải