27/09/2017 |
Mạnh mẽ, quyết đoán trên sân là vậy nhưng khi trò chuyện xoay quanh chiếc băng đội trưởng được trao tại các đội trẻ của PVF, Văn Hòa luôn thể hiện sự khiêm tốn đôi khi có chút rụt rè.
Trần Văn Hòa (sinh năm 1998, quê Hải Dương) từng cùng các đội tuyển của Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam – PVF giành chức vô địch giải U15, U17 rồi hạng Nhì Quốc gia. Anh cũng cùng U19 Việt Nam giành ngôi Á quân giải U19 Đông Nam Á năm 2015. Trước giải U19 Đông Nam Á 2016, Văn Hòa tập luyện tốt nhưng bất ngờ gặp chấn thương nên đành lỗi hẹn cùng đồng đội ở năm mà U19 Việt Nam giành HC Đồng giải đấu này và sau đó làm nên lịch sử khi lọt đến vòng tứ kết và giành quyền dự VCK U20 thế giới 2017.
Trần Văn Hòa (ngoài cùng bên trái) cùng các cầu thủ U17 PVF ăn mừng khi đội giành chức vô địch U17 Quốc gia năm 2015. (Ảnh: PVF).
Ở PVF, Hòa thường xuyên được BHL tin tưởng giao băng đội trưởng từ các giải U15, U17 đến U21 rồi hạng Nhì Quốc gia. Chàng thủ lĩnh trên sân của PVF gây ấn tượng với mọi người bởi sự điềm đạm, khiêm tốn và một nụ cười dễ mến.
Chuyện “người truyền lửa”
Chào Hòa, bạn có thể chia sẻ tại sao mình hay được chọn trao băng đội trưởng các đội của PVF khi đá giải không?
Có lẽ là do ngoài đời mình hòa đồng, vui vẻ và hay trò chuyện các bạn để hiểu, giúp đỡ mọi người nên được các thầy HLV cùng đồng đội tin tưởng. Về luyện tập mình luôn phải cố gắng; thi đấu trên sân phải biết truyền lửa, biết hô hào anh em trong đội. Chơi ở vị trí trung vệ mình luôn phải tỉnh táo, quyết đoán, giữ khung thành đội nhà chắc chắn để đồng đội tuyến trên tập trung tấn công. Khi có va chạm, xô xát mình phải khôn ngoan, trước là để bảo vệ đồng đội, sau là nói chuyện với trọng tài.
Trải qua nhiều giải đấu khác nhau, hẳn Hòa có được cho mình những bài học quý báu?Trở thành người thủ lĩnh trên sân bạn sẽ rèn được sự mạnh mẽ và chắc chắn.
Trải qua mỗi giải đấu mình luôn thấy bản thân phải nỗ lực nhiều hơn để được đồng đội và các thầy tin tưởng. Mình học được rằng bản thân phải biết kiềm chế cảm xúc, tránh mất bình tĩnh trước mọi việc mới có thể tìm ra giải pháp tốt nhất.
Băng đội trưởng đó ý nghĩa gì với đời sống sinh hoạt hàng ngày của Hòa không?
Có chứ. Mình luôn phải có ý thức cả trên sân lẫn ngoài đời. Mình phải cân nhắc, suy nghĩ trước khi hành động và luôn phải chịu trách nhiệm cho việc làm của bản thân. Nếu bạn bè có xô xát mình cũng thấy trách nhiệm phải can ngăn và giải thích để tất cả cùng hiểu nhau.
Đội trưởng như bạn phải làm gì để tập hợp tất cả cầu thủ thành một khối thống nhất?
Mình phải hướng mọi người tới cái chung. Nếu không đoàn kết thì không thể chiến thắng, cả trên sân lẫn ngoài đời.
Trong bóng đá rất dễ xảy ra va chạm trên sân. Đội trưởng như bạn đã làm gì để hạn chế những tình huống đó?
Mình nhớ có giải đấu quốc tế của U16 PVF hồi năm 2014 ở Malaysia đội bạn chơi xấu khiến tiền đạo của mình bức xúc. Giữa hiệp, bạn đó nói với mình muốn trả thù. Mình khuyên bạn đó không nên làm như vậy vì trọng tài sẽ thấy. Ngoài việc bạn có thể bị đuổi khỏi sân còn khiến đội mất người, dễ dẫn đến thua và đội để lại ấn tượng xấu. Mình phải bình tĩnh, phải làm sao để họ khâm phục. Chiến thắng chính là sự trả thù ngọt ngào nhất. Sau đó bạn ấy đã không hành xử như vậy. (Cười).
Trần Văn Hòa (thứ ba từ trái sang phải) và các thành viên đội hạng Nhì PVF giành chức vô địch hạng Nhì quốc gia 2016. (Ảnh: Song Hải/webthethao).
Trưởng thành hơn sau thất bại và những phút yếu lòng
Vai trò đội trưởng được kỳ vọng rất nhiều. Có khi nào bạn thấy quá sức không?
Cũng có khi trên sân mình chưa thể hiện được nhiều khiến các bạn không hài lòng và nói mình. Lúc đó mình cũng thấy mệt mỏi nhưng phải cố gắng từng trận để xứng đáng với sự tin tưởng của bạn bè và các thầy giao.
Những lúc hoang mang như thế bạn làm sao để lấy lại cân bằng?
Mình tới gặp các thầy ngay để thẳng thắn trò chuyện. Đều là những cầu thủ từng trải nên các thầy tận tình giải thích, hướng dẫn cách xử lí sao cho tốt nhất.
Thắng là vậy nhưng khi thua, đội trưởng là bạn phải làm sao để vực dậy tinh thần đội?
Mình vẫn nhớ vẫn giải đấu năm 2014 ở trên mình bị chấn thương trước trận chung kết lượt đi. Trận đó đội thua 1-2. Trước trận mình đã động viên tinh thần các bạn nhiều lắm. Sau trận thua, mọi người buồn bã, xuống tinh thần, mình cũng xuống phòng thay đồ động viên mọi người. Bóng đá đâu phải trận nào cũng suôn sẻ. Mình phải biết gạt nỗi buồn đi, lấy đó làm động lực để cố gắng hơn ở trận sau.
Lối chơi chắc chắn và thông minh cùng sự điềm tĩnh khiến Văn Hòa thường được BHL PVF trao băng đội trưởng ở các giải trẻ PVF tham gia.
Vậy nhưng trận chung kết lượt về (mình có thi đấu) dù đội đã cố gắng hết sức nhưng chỉ giành được kết quả hòa, một phần vì trọng tài xử ép. Kết thúc trận đấu mình cũng buồn và khóc. Thầy Nguyễn Phúc Nguyên Chương khi đó còn ở PVF vào phòng thay đồ hỏi tại sao các em khóc? Tất cả đã làm hết sức chưa? Nếu cố gắng hết sức rồi, sao phải khóc. Những câu chuyện hậu trường như vậy cũng giúp mình có thêm kinh nghiệm khi chia sẻ, động viện các bạn trong đội.
Hẳn là bạn đã được các thầy truyền đạt nhiều kinh nghiệm, kĩ năng khi là đội trưởng?
Các thầy đều dạy mình rằng đội trưởng phải biết hô hào, phải là thủ lĩnh hàng phòng ngự và thủ lĩnh toàn đội. Đội trưởng phải là người truyền lửa cho đội mình có sức chiến đấu. Nhất là khi đội thua mình càng phải mạnh mẽ, thổi lửa tới các thành viên để tất cả sẵn sàng chơi với 150%, 200% sức lực. Trận nào đang căng thẳng và đội nhà đang thắng, đội trưởng phải biết chỉ đạo các cầu thủ để điều tiết lại nhịp độ thi đấu.
Cuộc sống ra sao nếu không phải là bóng đá
Bạn có thần tượng ai hoặc cầu thủ nào không?
Với nước ngoài, mình thần tượng Sergio Ramos (trung vệ đội trưởng của CLB Real Mardid). Anh ấy chơi máu lửa và cũng hay ghi bàn. Mỗi ngày mình đều xem trên Youtube các trận thi đấu của anh, lưu lại và xem kĩ năng chơi bóng của anh. Nhất là cách anh xử lí khi hai bên xô xát để học hỏi.
Hòa có suy nghĩ gì không khi không ít bạn bè của Hòa ở PVF đã lên chơi V-League hay hạng Nhất?
Mình tự nhủ phải luyện tập chăm chỉ hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để có thể đáp ứng đòi hỏi khắt khe của các CLB. Mình cũng tập thi đấu thêm ở các vị trí khác để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp lên các CLB được HLV sắp xếp chơi ở vị trí không phải sở trường. Bởi nếu đi nơi khác mà ít được thi đấu sẽ thiệt thòi lắm.
Hòa sẽ gắn cuộc đời mình với bóng đá chứ?
Lúc nào trong mình cũng có đam mê với bóng đá. Tương lai chưa nói trước được điều gì nhưng mình không thể hình dung cuộc sống khi không được chơi bóng sẽ ra sao cả (cười).
Cảm ơn Hòa rất nhiều vì cuộc trò chuyện thú vị này! Chúc Hòa sẽ còn gặt hái được thành công nhiều hơn nữa trong tương lai!
- Quỹ bóng đá PVF