Lê Văn Xuân trở thành chốt chặn thầm lặng của U23 Việt Nam

Ngày cập nhật28/10/2021

Không nổi bật như nhiều đồng đội, nhưng Lê Văn Xuân đang xây chắc suất đá chính ở hàng phòng ngự U23 Việt Nam nhờ khả năng bền bỉ và kinh nghiệm.



U23 Việt Nam xây dựng chiến thuật tương tự như đội tuyển quốc gia với hàng phòng ngự gồm 3 trung vệ. Hai cầu thủ chạy cánh được trao nhiều “đất diễn” hơn khi một phần nhiệm vụ là tham gia tấn công. Lê Văn Xuân đang cho thấy anh là lựa chọn hàng đầu cho hành lang phải, dù không có thể hình lý tưởng.

avavanxuan 1 1

Lê Văn Xuân (số 45) gần như chắc suất đá chính tại vòng loại U23 châu Á 2022 sắp tới. Ảnh: VFF.

Từng đá khoảng 60 trận trong năm
Lê Văn Xuân được nhiều người biết đến hơn khi khoác áo CLB Hà Nội ở mùa giải 2020. Đó không phải là mùa giải đầu tiên cầu thủ quê Thanh Hóa chơi bóng chuyên nghiệp. Sau khi tốt nghiệp lò PVF, anh cùng đồng đội và cũng là bạn thân, Lê Xuân Tú được đội bóng thủ đô chiêu mộ, rồi thi đấu dưới dạng cho mượn ở CLB Hà Tĩnh trong 2 mùa giải 2018 và 2019.

Khi đã đủ cứng cáp, Văn Xuân được đội bóng chủ quản gọi về cho những mục tiêu dài hơi. Giai đoạn nhà đương kim vô địch V.League lúc bấy giờ gặp khủng hoảng lực lượng, Văn Xuân được trao cơ hội nhiều hơn và dần trở thành chủ lực của đội bóng thủ đô.

Kết thúc mùa giải năm đó, cầu thủ sinh năm 1999 có 15 trận đá chính, 3 lần vào sân thay người, thi đấu tổng cộng 1.317 phút. Thống kê nói trên không hề tệ với cầu thủ trẻ lần đầu được khoác áo CLB Hà Nội, đội bóng hàng đầu V.League. Cầu thủ này, trong lần chia sẻ cùng Zing, cũng bày tỏ những nỗi lo lắng ở thời điểm đầu mùa giải.

“Thời điểm mới trở lại CLB, tôi gặp nhiều áp lực, đặc biệt là khi đội nhận chỉ tiêu từ lãnh đạo. Có điều may mắn là thời điểm tôi vừa về, đội lại đi tập huấn ở Malaysia, nhân sự thiếu và tôi được trao cơ hội. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi cho rằng nếu không có giải giao hữu đó, chưa chắc mình đã được đá”, Văn Xuân nói.

Những nỗi lo sợ, áp lực với cầu thủ trẻ, ở môi trường như CLB Hà Nội là điều dễ hiểu. Ngay Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 Đỗ Hùng Dũng cũng từng trải qua những điều tương tự. Lãnh đạo đội bóng chắc chắn có cơ sở để trao niềm tin vào cầu thủ của mình.

Với trường hợp của Văn Xuân, anh có sự tích lũy từ khi còn là cầu thủ học nghề. Lứa cầu thủ 1999-2000 của PVF được tạo nhiều điều kiện để thi đấu tích lũy kinh nghiệm. Có giai đoạn, các tuyến U của trung tâm này được đầu tư tham dự giao hữu quốc tế trong suốt một năm.

Văn Xuân cho biết khi còn ở PVF, trung bình mỗi năm anh có 20 trận đấu. Con số lý tưởng cho sự phát triển của cầu thủ trẻ. “Cá biệt có năm 2016, tôi được đá khoảng 60 trận. Đó là thời điểm các giải đấu giao hữu quốc tế được tổ chức liên tục. Riêng tại Nhật Bản, tôi chơi 30 trận tại giải U16 J.League Challenge”, Văn Xuân nói.

Đó là giải đấu có mật độ dày và liên tục, trung bình 2 ngày/trận, được tổ chức theo từng khu vực và U16 PVF là khách mời. Sau khi về đích thứ nhì ở giải đấu tổ chức tại Fukuoka, Văn Xuân và đồng đội tiếp tục hành quân tới Osaka ở giai đoạn 2.

Mẫu cầu thủ âm thầm
Ở 2 trận giao hữu vừa qua của U23 Việt Nam, Văn Xuân cũng như các cầu thủ khác cùng được thử nghiệm với những vai trò khác nhau, sơ đồ chiến thuật khác nhau. Trước Tajikistan, Văn Xuân được xếp đá cánh trái trong sơ đồ 3-4-3 (hoặc 3-5-2) như cách vận hành của tuyển Việt Nam. Tới trận gặp Kyrgyzstan, Văn Xuân đảm nhiệm vai trò hậu vệ cánh trái trong sơ đồ 4-3-3 ở đội hình xuất phát.

 

Đây được xem là vị trí sở trường của cầu thủ sinh năm 1999. Anh không có thể hình lý tưởng, nhưng bù lại là khả năng bền bỉ và mạnh mẽ nhờ thể lực dồi dào. Thực tế, cầu thủ này có thể đảm nhiệm nhiều vị trí, nhiều vai trò khác nhau sau quá trình trau dồi khi còn là học viên tại trung tâm PVF. Trừ trung vệ, vị trí nào trên sân cầu thủ này cũng từng kinh qua.

Ở U23 Việt Nam, Văn Xuân không phải là cầu thủ nổi tiếng nhất. Không khó để kể tên những ngôi sao trong đội hình của HLV Park Hang-seo. Song, để Văn Xuân vào danh sách đó là rất khó. Lý do đơn giản là cách anh thi đấu trên sân.

Cầu thủ này tự nhận: “Tôi là kiểu người đề cao tính tập thể, không thích ai theo chủ nghĩa cá nhân. Tôi chỉ nghĩ và cần thành tích cho đội bóng chứ không quan tâm xem cầu thủ nào được danh hiệu gì. Bóng đá rõ ràng là phải chiến thắng, phải hơn người khác. Nhưng điều đó không đồng nghĩa đố kỵ cá nhân”.

Anh cũng bộc bạch cách bản thân thi đấu phản ánh rõ tính cách ngoài đời: Ít nói, không quảng giao và bình lặng. “Hơn 10 năm theo nghề, sự nghiệp của tôi, không có bước ngoặt lớn, không sự kiện tiêu biểu. Tôi cũng phát triển sự nghiệp từ từ. Tôi nghĩ sự nghiệp phản ánh đúng tính cách của tôi, không có gì đặc biệt”, anh nói.

Nói về các đội tuyển, cầu thủ chạy cánh này chỉ đặt mục tiêu đơn giản là phấn đấu thể hiện khi được trao cơ hội. Thực tế, ở 2 cánh hiện tại, không ai nhiều kinh nghiệm và có sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự như Văn Xuân. Trong tập thể có nhiều cá nhân nổi bật và đang đi tìm sự ổn định cần thiết cho mục tiêu dài hơi, cầu thủ biết hy sinh bản thân vì mục tiêu của tập thể chắc chắn là cần thiết và Văn Xuân sẵn sàng cho vòng loại U23 châu Á.

Tháng mười 28, 2021 9:36 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *