PVF – mô hình đào tạo hiện đại

Ngày cập nhật7 Tháng ba, 2019

Ra đời muộn so với những lò đào tạo danh tiếng như HAGL hay Hà Nội FC nhưng với mô hình đào tạo cấp tiến, PVF được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam.

Gần 9 năm kể từ ngày thành lập, Quỹ Đầu tư và Phát triển bóng đá Việt Nam (PVF) thuộc Tập đoàn Vingroup đã trở thành một trong những lò đào tạo trẻ nức tiếng của bóng đá nước nhà, cung cấp nhiều tài năng cho các đội tuyển trẻ và một số CLB ở V-League. Trong thành phần U23 Việt Nam giành HCB châu Á, nổi bật nhất chính là Hà Đức Chinh và Bùi Tiến Dụng.

Vào nhóm “kiềng 3 chân”

PVF ra đời vào tháng 10-2008 từ ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tháng 6-2009, PVF chính thức khai giảng khóa đầu tiên với 50 học viên sinh các năm 1997 và 1998. “Những ngày đầu thành lập, cái tên PVF còn quá mới mẻ và không ai biết đến nên việc tuyển sinh khóa đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn. Các HLV Trần Minh Chiến, Nguyễn Thanh Tùng hết ra Bắc vào Nam còn phải tìm đến sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành để nhờ thông báo, vận động trường học cho học sinh mê bóng đá đi thi tuyển. Trương Văn Thái Quý ở tỉnh Quảng Trị, cầu thủ có tên trong danh sách đội U23 Việt Nam dự giải châu Á mới đây, là một trường hợp như thế” – cựu tuyển thủ Hứa Hiền Vinh, một trong những HLV đầu tiên của PVF, nhớ lại.

89 chan chot 1517839989013394003017

Cựu danh thủ Manchester United Ryan Giggs (phải) trò chuyện cùng cựu tiền đạo tuyển Việt Nam Nguyễn Việt Thắng trong buổi huấn luyện của PVF

Bùi Tiến Dụng là thí sinh trúng tuyển khóa 2 năm 2010, còn Hà Đức Chinh mãi đến năm 2012 khi đã 15 tuổi mới gia nhập lò đào tạo này. Đức Chinh là trường hợp khá đặc biệt, được HLV Trần Minh Chiến phát hiện từ Hội khỏe Phù Đổng ở Cần Thơ. Lúc đó, Đức Chinh thi đấu cho đội bóng THCS của tỉnh Phú Thọ. Trần Minh Chiến kể: “So với các bạn cùng lứa tuổi, Đức Chinh vào PVF trễ hơn 3 năm nhưng cậu bé rất nỗ lực và tiến bộ hằng ngày. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đức Chinh đã rút ngắn khoảng cách với các đồng đội. Đây là điều khiến tôi rất hài lòng và càng ra sức huấn luyện với mong muốn Chinh sẽ là truyền nhân của mình trong tương lai”.

Từ 50 học viên của lứa đầu tiên, đến nay với tên gọi mới là Học viện Bóng đá PVF, nơi đây đang đào tạo khoảng 170 học viên với 9 lớp thuộc các lứa tuổi từ 10 đến 18. Dù một số HLV kỳ cựu của PVF đã xin nghỉ để theo đuổi công việc ở các CLB dự V-League nhưng lò đào tạo này vẫn phát triển với chân đế vững chắc, ứng dụng công nghệ thể thao hiện đại, đào tạo theo mô hình tiên tiến của châu Âu. Ở các giải trẻ, PVF nổi lên như một thế lực lớn, cùng với 2 trung tâm đào tạo trẻ lừng danh cả nước là HAGL và Hà Nội FC tạo ra nhóm “kiềng ba chân”. Ba lò này thi nhau thâu tóm phần lớn các danh hiệu bóng đá trẻ, cung cấp tài năng cho nhiều CLB trong nước.

Kỳ vọng sau cú bắt tay với Giggs, Scholes

Với tiềm lực mạnh, đầu tư bài bản của Vingroup, lò đào tạo bóng đá chuyên nghiệp PVF đã được khẳng định bằng những thành tích nổi trội trong thời gian qua. PVF đang là nguồn cung cấp cầu thủ trẻ chất lượng cho nhiều đội bóng tên tuổi. Thậm chí, nhiều CLB dù đang làm đào tạo trẻ rất tốt vẫn bổ sung các cầu thủ từ lò PVF. Ngay như lò Hà Nội FC, từ thế đối thủ trong các cuộc đua tranh danh hiệu trẻ với PVF, đã liên hệ với lò đào tạo này để đưa Thái Quý, Minh Dĩ về đá V-League 2017. Ngay cả một số tài năng trẻ chưa tốt nghiệp ở PVF cũng được các đội bóng của ông bầu Đỗ Quang Hiển “đặt hàng” trước.

89 chan ghep 1517839989016492409362

Tuyển thủ U23 Hà Đức Chinh là một trong những tài năng trẻ do PVF đào tạo

Bước ngoặt phát triển mới của PVF được tạo ra từ lúc chuyển đại bản doanh ở TP HCM ra Văn Giang (Hưng Yên) với tên gọi mới là Học viện Bóng đá trẻ PVF vào cuối tháng 10-2017. Lò đào tạo này nổi lên như một trong những trong tâm đào tạo trẻ có cơ sở vật chất và mô hình đào tạo hiện đại hàng đầu châu Á. Việc kết hợp cùng đội bóng lừng danh Manchester United trong công tác đào tạo trẻ, mời 2 cựu danh thủ Ryan Giggs và Paul Scholes vào vị trí giám đốc học viện, càng làm cho uy tín PVF tăng cao, mở ra ước mơ cho nhiều cầu thủ “nhí” muốn được trúng tuyến vào học viện hàng đầu Việt Nam này.

Theo cựu tiền đạo Nguyễn Việt Thắng, người đang làm công tác huấn luyện tại PVF, hiện nay giáo án huấn luyện của học viện đang dựa theo giáo án của các trung tâm đào tạo trẻ danh tiếng trên thế giới nhưng có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và thể trạng của các cầu thủ Việt Nam. “Cũng chính vì áp dụng theo giáo án của nước ngoài nên việc tập luyện chuyên môn của các cầu thủ cũng ít hơn trước. Hiện mỗi tuần các cầu thủ “nhí” chỉ tập luyện chuyên môn 5 buổi và có 1 ngày hồi phục. Ngược lại, việc học văn hóa tăng lên, học 5 ngày vào buổi sáng và 5 ngày vào buổi tối, trong đó có 3 buổi học ngoại ngữ” – Việt Thắng nói.

Việt Thắng cho rằng điều quan trọng nhất của con người là nền tảng kiến thức, văn hóa và quá trình đào tạo kết hợp giữa đá bóng và học văn hóa sẽ giúp các cầu thủ vững vàng hơn về nghề nghiệp, tư duy chơi bóng cũng sẽ tốt hơn. “Những gì mà PVF đang làm là vì tương lai của bóng đá Việt” – Việt Thắng đúc kết.

Cung cấp tài năng cho các CLB

Ở PVF, các cầu thủ sau 18 tuổi sẽ kết thúc khóa huấn luyện và được chuyển giao về thi đấu cho các CLB V-League hoặc giải hạng nhất. Đến nay, trong 3 khóa đầu tiên của PVF, có gần 30 cầu thủ (sinh các năm từ 1997 đến 1999) đã được đưa về thi đấu ở các đội V-League. Trong đó, tiền vệ Bùi Tiến Dụng và Hà Đức Chinh được SHB Đà Nẵng chiêu mộ và đã có những dấu ấn tại V-League 2017, còn Thái Quý được trọng dụng ở Hà Nội FC. Cả ba thực sự là những nhân tố quan trọng, góp công giúp U23 Việt Nam tạo được kỳ tích lịch sử tại Giải Bóng đá U 23 châu Á 2018.

Tháng ba 7, 2019 11:26 sáng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *