11/05/2020 |
Trong số các lò đào tạo trẻ ở Việt Nam hiện nay, có lẽ lò đào tạo PVF là “dị biệt” nhất. “Dị biệt” ở chỗ PVF là lò đào tạo duy nhất không có “đầu ra” là đội 1 thi đấu ở V-League.
Đức Chinh, Thanh Thịnh trong niềm vui cùng U.23 Việt Nam. Ảnh: VFF
Trên thực tế từ trước đến nay, Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) chỉ đào tạo các cầu thủ trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 18 tuổi, sau đó tiến hành chuyển giao cho các đội bóng khác để thi đấu ở các giải đấu cao hơn của bóng đá Việt Nam. Cụ thể PVF đã hợp tác tốt với Hà Nội và SHB Đà Nẵng khi chuyển giao chủ yếu lứa cầu thủ xuất sắc do mình đào tạo ra ở khóa đầu (lứa 1997-1999) cho 2 CLB này, sau đó tiếp tục chuyển giao một số cầu thủ còn lại và lứa sinh năm 2000 cho Phố Hiến.
Trong số các đội bóng đang thi đấu ở V-League 2020, khá nhiều đội bóng hiện đang sở hữu cầu thủ xuất thân từ PVF. Thậm chí nhiều người đã nói vui là số cầu thủ PVF thừa đủ lập ra 1 đội hình “chơi được” ở V-League với những cái tên như thủ môn Phan Văn Biểu, hậu vệ Mạc Đức Việt Anh, Thanh Thịnh, tiền vệ Trọng Hóa, Tiến Dụng, tiền đạo Đức Chinh (SHB.Đà Nẵng), hậu vệ Tùng Quốc (TP.HCM), tiền vệ Hồng Sơn (Quảng Nam), hậu vệ Văn Xuân, tiền vệ Xuân Tú, Thái Quý, Minh Dĩ (Hà Nội).
Lê Ngọc Bảo của U.23 Việt Nam. Ảnh: Ngọc Linh
Trương Văn Thái Quý
Còn ở giải hạng nhất gần như 90% cầu thủ của Phố Hiến do HLV Hứa Hiền Vinh dẫn dắt là cầu thủ của lò PVF. Có thể kể như Lê Ngọc Bảo, Lâm Thuận,Trần Văn Hòa, Nguyễn Thành Lộc của lứa đào tạo đầu hay Nguyễn Huỳnh Sang, Nguyễn Đức Lợi, Nguyễn Trọng Long, Nguyễn Khắc Khiêm, Uông Ngọc Tiến..
Nhìn vào danh sách U.22 Việt Nam đăng quang tại SEA Games 30 vừa qua, người ta cũng thấy có tới 5 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo PVF, trong đó có 3 cầu thủ thường xuyên được đá chính là Thanh Thịnh, Ngọc Bảo và Đức Chinh (2 cầu thủ còn lại là Tiến Dụng và Thái Quý).
Đỗ Thanh Thịnh. Ảnh: Vy Khánh
Hồ Minh Dĩ trong đội U.19 Việt Nam cùng với Quang Hải. Ảnh: AFC
Trên thực tế đó không phải là lần đầu tiên PVF tạo được dấu ấn của mình ở các đội tuyển trẻ Việt Nam. 4 năm trước, 2 cầu thủ của PVF đã ghi bàn, góp công lớn, giúp U.19 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự World Cup U.17 là Minh Dĩ và Đức Chinh. Tiếp sau đó, thành công của các đội tuyển trẻ và đội tuyển Việt Nam ở các sân chơi khu vực, châu lục như VCK U.23 châu Á 2018, ASIAD 18, AFF Cup 2018, VCK Asian Cup 2019 cũng đều có dấu chân của các cầu thủ PVF như Đức Chinh.
Ngay cả ở các giải trẻ quốc gia nằm trong hệ thống thi đấu của LĐBĐ Việt Nam, các lứa trẻ của PVF trong vòng 10 năm trở lại đây cũng đều đã gặt hái được những kết quả rất đáng khích lệ khi đều ít nhất 1 lần đăng quang ngôi vô địch.
U17 PVF vô địch năm 2017. Ảnh: PVF
Tại giải U.13 quốc gia, PVF từng 2 lần vô địch (2010, 2012) và 2 lần về nhì (2011, 2018). Còn ở giải U.15, các cầu thủ trẻ PVF còn 3 lần đăng quang (2012, 2013, 2017) và 3 lần giành ngôi á quân (2014, 2015, 2016). Tương tự, lứa U.17 PVF cũng 3 lần vô địch U.17 quốc gia (2014, 2015, 2017) và 3 lần về nhì (2013, 2016, 2019). “Khiêm tốn” nhất, lứa U.19 PVF cũng đã 1 lần bước lên bục cao nhất (2015) và 1 lần xếp thứ hai (2017) ở giải U.19 quốc gia.
- Theo Hương Thùy/Thanh Niên. Link gốc: https://thanhnien.vn/the-thao/bong-da-viet-nam/pvf-mo-hinh-dao-tao-tre-di-biet-nhung-hieu-qua-cua-bong-da-viet-nam-115032.html