31/12/2020 |
Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF đang dần trở thành sự đảm bảo về chất lượng, là niềm hy vọng hàng đầu để bóng đá Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Một lò đào tạo tầm cỡ
Chiều 28.12, U.15 PVF đánh bại U.15 Viettel trong trận chung kết, để chính thức lên ngôi vô địch giải U.15 Cúp Quốc gia 2020. Đây là chức vô địch quốc gia thứ 4 của “lò” PVF trong năm 2020. 8 giải trẻ quốc gia trong năm, họ chiếm tới một nửa bao gồm: U.15 Quốc gia, U.19 Quốc gia, U.15 Cúp Quốc gia và U.17 Cúp Quốc gia. Thành tích này là minh chứng cho chất lượng của một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu Việt Nam.
Các cầu thủ U.15 PVF lên ngôi vô địch. Ảnh: VFF
Thực chất, PVF từ lâu đã được biết đến là một trong những Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ giàu thành tích nhất Việt Nam. Trải qua 12 năm phát triển, PVF đã giành 18 chức vô địch và 9 lần giành Á quân các giải trẻ trong nước, 9 lần vô địch và 2 lần Á quân các giải trẻ quốc tế. Thành công trong năm 2020 có thể xem là sự tiếp nối truyền thống, dày thêm bảng thành tích vốn đã rất “khủng”. Tuy nhiên, nó cũng rất đặc biệt, khi kết thúc 3 năm “trắng tay” của PVF, kể từ thời điểm trung tâm chuyển từ Nam ra Bắc và thực hiện cuộc cải tổ tầm cỡ.
Trong số các chuyên gia đã và đang làm việc cho PVF, có những chuyên gia hàng đầu như “Phù thủy trắng” Philippe Troussier, Giám đốc kỹ thuật Eric Abrams, có cả những người được cả thế giới “biết mặt, đọc tên” như Ryan Giggs hay Paul Scholes. Tất cả kết hợp nhiều huấn luyện viên đào tạo trẻ hàng đầu Việt Nam như Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Cường, Đinh Thế Nam để hoàn thiện chương trình đào tạo, phát triển cầu thủ toàn diện. Dàn nhân sự cấp cao cùng cơ ngơi bề thế trị giá 35 triệu USD tại Hưng Yên chính là sự đảm bảo cho quy mô, hướng đi lâu dài với bóng đá của nhà tài trợ Vingroup với PVF.
Chiến lược làm bóng đá bài bản, phát triển từ gốc rễ là căn cơ để PVF đào tạo cầu thủ. Điểm đáng chú ý trong công tác đào tạo trẻ của “lò” bầu Vượng là không chỉ dừng lại ở góc độ thuần chuyên môn mà nhấn mạnh cả vào văn hoá cho cầu thủ. Lò Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng làm được điều tương tự, nhưng PVF xứng đáng là sự nâng cấp. Được biết, các cầu thủ trẻ của PVF được bố trí sáng học tại Vinschool, ngôi trường chất lượng đẳng cấp, chiều về tập luyện tại PVF. Bên cạnh văn hóa, ngoại ngữ, PVF mời nhiều chuyên gia đến giảng dạy để cầu thủ tiếp cận những góc nhìn xã hội khác nhau thay vì chỉ xoay quanh trái bóng. Nói như một lãnh đạo tại PVF, các học viên trước khi trở thành cầu thủ thì cần trở thành người có ích cho xã hội, đó là mục đích của đào tạo văn hóa kèm bóng đá.
Thành tích giải trẻ chỉ là thước đó đánh giá quá trình đầu tư huấn luyện và thi đấu theo từng giai đoạn. Cái đích lớn nhất mà PVF nhắm tới là tạo ra thế hệ cầu thủ trẻ nhiệt huyết, có đạo đức, tri thức, văn hóa với thể lực và chuyên môn đạt chuẩn thế giới.
V.League, World Cup và chuẩn thế giới
Giống như nhiều lò đào tạo, PVF đặt mục tiêu rèn giũa các tài năng bóng đá trở thành những cầu thủ thi đấu bóng đá chuyên nghiệp trong nước và hướng tới phát triển sự nghiệp thi đấu quốc tế, xa hơn là đưa đội tuyển Việt Nam đi tới World Cup. Nhưng nếu tìm điểm khác, PVF có lẽ đang đúng đắn hơn trong ý thức và cách làm.
Cầu thủ Thái Bá Đạt – ngôi sao xuất sắc nhất vòng chung kết U.15 Cúp quốc gia Cúp Quốc gia 2020 phát biểu sau khi đưa U.15 PVF lên ngôi vô địch: “Ước mơ của em giống như hầu hết các cầu thủ trẻ, đó là công hiến cho đội tuyển Việt Nam, thêm nữa là được ra nước ngoài thi đấu”. Các “mầm non” của PVF ý thức được 2 điều, cống hiến cho màu áo đội tuyển nước nhà và hướng tới một sự nghiệp quốc tế. 10 năm trước, các cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai cũng nghĩ như vậy, và giờ những Xuân Trường hay Công Phượng phần nào đó cũng đã được ghi nhận.
Các cầu thủ PVF được đánh giá có tiềm năng phát triển cao, không chỉ kỹ năng thi đấu mà cả kỹ năng sống để phát triển ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Họ có vốn hiểu biết, có ngoại ngữ và đã quen với việc sống xa nhà. Đó có lẽ là một sự trang bị để đảm bảo “đầu ra”. Nước ngoài, quốc tế là tương lai hướng đến. Còn gần hơn, các sản phẩm đào tạo của PVF cũng luôn lọt vào tầm ngắm của các đội bóng mạnh tại V.League, hạng Nhất.
Mới đây, 20 cầu thủ trẻ PVF lứa 2001, 2002 đã tốt nghiệp và ngay lập tức tìm được bến đỗ tại V.Leagua và hạng Nhất. Trong đó, 8 cầu thủ được chuyển tới 2 câu lạc bộ mạnh là Đà Nẵng và Sài Gòn. Điểm đặc biệt nhất, toàn bộ kinh phí chuyển nhượng hay cho mượn sẽ được PVF chuyển lại cho gia đình học viên. Đây là một điểm đặc thù rất nhân văn trong công tác đầu tư, đào tạo bóng đá trẻ của PVF, bởi chi phí đào tạo mỗi học viên trong gần 10 năm từ khi được tuyển đến khi tốt nghiệp lên tới hàng chục tỉ đồng. Chính sách này là sự ghi nhận, động viên cho những nỗ lực của học viên trong suốt quá trình học tập, tập luyện.
Thực chất, PVF chưa bao giờ đặt nặng việc thu bao nhiêu từ các lứa học viên, kể cả lứa Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng vốn đang có những thành công nhất định. Điều đáng bàn là sự đổi khác trong “đầu ra”. Trước đây, PVF chuyển nhượng các cầu thủ tốt nghiệp đến câu lạc bộ trong âm thầm, còn nay đã làm lễ tốt nghiệp và ký hợp đồng đúng theo quy chuẩn chuyên nghiệp Thế giới.
Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn đã nói rằng: “Đội tuyển quốc gia chỉ có cơ hội dự World Cup khi các đội trẻ phải được thường xuyên tham gia và thi đấu tốt ở đấu trường châu lục ở các cấp độ tuổi. Muốn vậy, điều cần làm là phải đảm bảo nền tảng cho thật vững, đó là phát triển bóng đá trẻ và nâng cao chất lượng cho các giải chuyên nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ chính của bóng đá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
PVF khác với nhiều trung tâm đào tạo trẻ ở điểm chỉ tập trung phát triển cầu thủ, không tham gia sân chơi chuyên nghiệp V.League. Khi không đặt nặng việc cầu thủ tự đào tạo phải đá cho một câu lạc bộ chủ quản nhất định, các học viên có nhiều cơ hội hơn, và giấc mơ World Cup có lẽ cũng gần hơn.