22/12/2016 |
Trong cuốn sách mới nhất của Pep Guardiola, HLV tài năng người TBN đã tiết lộ về việc ông cùng các trợ lý của mình tính toán về mặt xác suất thống kê khả năng vô địch nếu như đội bóng của ông dính vào một cuộc khủng hoảng chấn thương.
Điều đó không có gì mới. Trong quá khứ từng có rất nhiều đội bóng mạnh giữa đường đứt gánh trong một cuộc đua vô địch vì những cơn bão chấn thương, từ Manchester United 1997-98 tới Arsenal 10 năm sau đó. Còn những đội bóng vượt qua được khủng hoảng nhân sự không có nhiều, thật ra là rất khó tìm thấy.
Điều đó dẫn tới sự thay đổi tư duy quan trọng về các chấn thương. Giờ chúng không còn trở thành những sự bất tiện và trở ngại phải vượt qua. Giờ các chấn thương dồn dập là điều mà một đội bóng phải tránh bằng mọi giá. Mục tiêu đó khiến các đội bóng đều điều chỉnh lại các chính sách về phòng ngừa chấn thương của họ, làm dấy lên rất nhiều cuộc tranh luận.
Trong những tranh cãi mới nhất, “sự mệt mỏi” của Raheem Sterling ở ĐT Anh đã gây rất nhiều chú ý, nhưng thật ra đã có rất nhiều trường hợp như thế xảy ra với Arsenal, Manchester United hay Borussia Dortmund mùa này mà ít được bận tâm hơn. Mặt khác, nhiều người ca ngợi Chelsea vì họ giữ được một đội hình trọn vẹn với mật độ thi đấu cao không kém ai.
Trong ảnh: Sterling than thở với HLV Roy Hodgson về vấn đề thể lực
Trong quá khứ, các chấn thương thường được những HLV giải thích đơn giản là vận rủi, nhưng với khoa học hiện giờ, các con số thống kê cho thấy đó không chỉ đơn thuận là chuyện hên xui. Không phải là ngẫu nhiên khi trong một thời gian dài, một số CLB và HLV gặp phải nhiều ca chấn thương hơn hẳn những người khác. Chẳng hạn, từ năm 2002 tới nay, Arsenal có 888 ca chấn thương, so với 614 của Chelsea hay 594 của Man City.
Khoa học thể thao hiện đại không coi chấn thương là một sự cố bất khả kháng ngoài ý muốn, mà cho rằng một nhân tố có thể kiểm soát được tác động lớn tới khả năng chấn thương của một cầu thủ: tích tụ sự mệt mỏi. Nếu một cầu thủ tập nặng hơn, sự tích tụ đó sẽ lớn hơn. Nếu họ không có đủ thời gian hồi phục cho phiên tập hay trận đấu tiếp theo, sự mệt mỏi của các cơ bắp lẫn hệ thần kinh sẽ tích tụ lại và tới giới hạn của điều đó, chấn thương xảy ra. Sự tích tụ đó có thể kéo dài hàng tuần, hoặc hàng tháng.
Chính vì thế, một số cầu thủ vào bóng rất mạnh nhưng không sao, trong khi những người khác chỉ cần một pha va chạm tưởng như vô hại cũng dẫn tới chấn thương vài tháng. Sự tiếp xúc trực tiếp trên sân là quan trọng, nhưng những gì tích tụ một thời gian dài trước đó còn quan trọng hơn và trong khi sự tiếp xúc trực tiếp, các pha tranh chấp, té ngã hay bị tắc bóng, nhìn chung là khó kiểm soát, thì việc tích tụ sự mệt mỏi của các cơ bắp và hệ thần kinh lại hoàn toàn kiểm soát được.
Trong ảnh: Oezil sẽ phải ngồi ngoài cho tới thời điểm năm mới 2015
Những điều đó giải thích sự khác biệt trong số lượng các ca chấn thương, khi một số đội làm tốt hơn nhiều so với những đội khác. Các chấn thương không đơn giản tước đi của đội bóng những cầu thủ giỏi, nó còn phá hỏng nhịp điệu và sự gắn kết mà những cầu thủ đó đã tạo ra được với các đồng đội khác trên sân. Raymond Verheijen, một chuyên gia thể lực người Hà Lan, là người tiên phong trong những giải pháp ngăn ngừa chấn thương hiện đại, cũng là người cổ súy mạnh mẽ cho ý tưởng đó.
“Điều quan trọng nhất trong bóng đá là sự liên kết mà không cần lời nói”, Verheijen giải thích. “Sự ăn ý chỉ có được thông qua việc các cầu thủ hiểu những hành vi của nhau trên sân, và nhờ thế bạn có thể chơi tốc độ hơn. Nếu bạn muốn phát triển sự liên kết đó, các chấn thương là kẻ thù đáng ghét nhất. Bạn sẽ muốn những cầu thủ hiểu nhau đó có mặt cho mọi phiên tập và mọi trận đấu, nhưng lấy ví dụ, nếu vì những chấn thương, trong 50 buổi tập, chỉ có 12 buổi là bạn tập hợp được đội hình tốt nhất của mình, thì bạn gặp rắc rối to”.
Đó cũng là kiểu tư duy của Guardiola. Bóng đá hiện đại giờ không chỉ cạnh tranh về tiền bạc, chiến thuật và các ngôi sao, mà cả công nghệ và khoa học nữa.