02/03/2019 |
Trong một tích tắc nóng giận ở World Cup 2006, huyền thoại người Pháp đã để lại món quà vô giá cho tiến trình phát triển của giải vô địch bóng đá Đức.
Zinedine Zidane khép lại sự nghiệp bằng cú húc đầu vào Marco Materazzi và tấm thẻ đỏ trong trận chung kết World Cup 2006. Nhưng trước đoạn kết buồn ấy, ngày hội bóng đá trên đất Đức còn chứng kiến một khoảnh khắc đặc biệt khác về huyền thoại người Pháp, xuất phát từ tính khí nóng nảy của ông.
Sự ức chế của Zidane trong trận đấu với Hàn Quốc ở World Cup 2006 vô tình giúp Bundesliga một câu chuyện để làm truyền thông. Ảnh: ISI.
Đó là buổi tối 18/6/2006, khi trận đấu ở lượt hai bảng G giữa Pháp và Hàn Quốc trên sân Red Bull Arena (thời ấy còn mang tên Zentralstadion) của thành phố Leipzig kết thúc với tỷ số 1-1. Điều này khiến Pháp chỉ có hai điểm qua hai lượt trận, và có nguy cơ bị loại ngay từ vòng bảng.
Tiến vào đường hầm sau tiếng còi mãn cuộc, Zidane tức giận, luôn miệng quát tháo, mắng mỏ các đồng đội. Mở tỷ số từ phút thứ 9, nhờ công Thierry Henry, nhưng Pháp không giữ được thành quả. Họ để Park Ji-sung gỡ hòa cho Hàn Quốc phút 81. Quát mắng đồng đội cũng chưa hả được cơn giận, Zidane đạp thẳng chân vào cánh cửa thép của phòng thay đồ. Cú đạp mạnh tới mức đinh giày của ông in hằn lên đó.
Cú đạp ấy, theo một quy định của nước chủ nhà Đức, bị khép vào tội “phá hoại tài sản”. Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) nhanh chóng được thông báo về sự việc, và tất nhiên, họ không hề muốn đội trưởng vướng vào rắc rối. Một đại diện của FFF lập tức liên hệ với bản quản lý sân, đề nghị trả 25.000 euro để nhờ… thay mới dùm bộ cửa.
Cú đạp của Zidane vào cánh cửa trở thành một di tích đặc biệt của Bundesliga và bóng đá Đức.
25.000 euro là con số nhiều gấp vài chục lần giá trị thực của cánh cửa. Nhưng ban quản lý sân Zentralstadion đã không nghĩ đến món hời trước mắt ấy. “Chúng tôi nhận thấy vết giày đinh hằn lên cánh cửa thép là một cơ hội bằng vàng để làm thương hiệu và truyền thông, vì dễ gì nơi nào khác trong thế giới bóng đá này may mắn được một huyền thoại cỡ Zidane để lại vết tích ấn tượng như thế”, Jakob Junghoefer – một thành viên ban quản lý – kể lại với VnExpress.
Ban quản lý, vì thế, từ chối món tiền của FFF. Thay vào đó, họ cam kết không tiết lộ danh tính chủ nhân cú đạp và giữ lại cánh cửa. Phần cửa thép hằn vết giày đinh và những vệt trầy xước được ban tổ chức sân Zentralstadion giữ nguyên, và đóng khung sơn vàng. Họ ghi vào đấy chữ “Z”. Sau World Cup, đường hầm cùng cánh cửa dẫn tới phòng thay đồ ấy trở thành một điểm nhấn trong các tour tham quan sân với thông điệp “vết tích của Mr Z”.
Những chi tiết nhỏ nhặt như thế, theo Patrick Kalisch, Trưởng ban Dự án Hợp tác Quốc tế của Bundesliga International, đã góp phần giúp bóng đá Đức nói chung và Bundesliga bay cao sau cú hích World Cup 2006. Từ chỗ là giải đấu thứ tư trong top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu năm 2014, Bundesliga lần lượt vươn lên thứ ba, rồi thứ hai chỉ sau Ngoại hạng Anh, như hiện tại.
Bên cạnh việc chú trọng khai thác các câu chuyện truyền cảm hứng và thông điệp truyền thông như “vết tích của Mr Z”, nỗ lực cách tân về công nghệ và sự chăm lo cho khâu đào tạo trẻ là những mũi nhọn khác giúp Bundesliga vươn lên mạnh mẽ.
RB Leipzig gây sốc khi thăng năm hạng đấu lên Bundesliga chỉ trong bảy năm, và mất thêm một năm nữa để được dự Champions League. Một trong những bí quyết giúp “Chú Bò Đỏ” – biệt danh của CLB Đông Đức này – thăng tiến ngoạn mục như vậy là “SoccerBot360”. Công nghệ này do chính RB Leipzig cùng một công ty đối tác phát triển, đăng ký sở hữu trí tuệ rồi đưa vào ứng dụng từ năm 2015.
Phòng tập theo công nghệ “SoccerBot360” ở Học viện bóng đá RB Leipzig.
Nằm ở tầng hầm toà nhà đa chức năng của Học viện RB Leipzig, “SoccerBot360” là một phòng tập thực tế ảo trong trong không gian đa chiều, và rộng chừng 30m2. Mỗi cầu thủ được giao hai quả bóng, và phải đẩy bóng đến các mục tiêu thay đổi liên tục, phân biệt theo màu do HLV điều khiển qua iPad.
Theo Carolin Dietrich – Giám đốc Quan hệ Quốc tế RB Leipzig, mỗi buổi tập trong “SoccerBot360” với mỗi cầu thủ chỉ kéo dài tối đa 15 phút, vì “quá căng thẳng và khắc nghiệt” về tâm lý. Tuy nhiên, nhờ tập theo công nghệ này, cầu thủ RB Leipzig ở mọi lứa tuổi đều cải thiện đáng kể kỹ năng xử lý tình huống.
Bayern thì xây dựng học viện theo mô hình ký túc xá tập trung, trong khu phức hợp rộng hơn 30 hécta ở ngoại ô Munich. Các cầu thủ ở mọi lứa tuổi của CLB đều sống tập trung tại học viện năm ngày trong tuần, và chỉ được ra “đổi gió” vào hai ngày cuối tuần. Tại đây, những chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp nhất được ứng dụng cho các học viên, giúp họ có thể chất và tinh thần lý tưởng để lĩnh hội các kiến thức chuyên môn.
Theo Dirk Hauser – Giám đốc Truyền thông của Học viện Bayern, mỗi năm, CLB đầu tư vào khu phức hợp này 16 triệu euro, và Học viện được xem là thành công, nếu mỗi năm có một cầu thủ được biên chế vào đội một. Họ đang kiên định với đường lối đầu tư lớn như vậy, với tham vọng sẽ có ngày đãi cát, tìm vàng thành công, tạo ra những Philipp Lahm, Schweinsteiger hay Thomas Mulller… mới.
Một buổi tập của đội U16 Bayern trong khu Học viện rộng 30 héc-ta ở ngoại ô Munich.
Công nghệ SoccerBot360 rồi sẽ không còn là độc quyền của RB Leipzig, vì CLB này đang xúc tiến việc chuyển giao, bán để kiếm lời. Hình thức đào tạo ở Bayern thì không quá mới so với những La Masia tại Barca, hay Carrington của Man Utd. Nhưng Bundesliga cho thấy sự khác biệt ở cách họ tin tưởng, và trao cho các tài năng trẻ cơ hội thể hiện khả năng ở đội một, dù đó là ở CLB lớn như Bayern, Dortmund hay các CLB tầm trung như RB Leipzig, Hoffenheim.
“Tôi không rõ Bundesliga có nuôi dưỡng các tài năng tốt hơn những giải VĐQG khác hay không, nhưng thật sự, họ rất hăng hái trao cho bạn cơ hội khi bạn còn trẻ. Ở Bundesliga, các tài năng trẻ như tôi không chỉ được tập cùng đội một, mà còn được vào thi đấu, để qua đó tìm kiếm cơ hội thăng tiến”, cầu thủ chạy cánh của Hoffenheim, Reiss Nelson nói trên Fox Sports Asia về cơ hội thăng tiến đang rộng mở với anh tại Bundesliga.
Hoffenheim được cho là sẵn sàng mua lại Reiss Nelson, vì quá ấn tượng với sự tiến bộ vượt bậc mà bản hợp đồng mượn từ Arsenal này thể hiện qua hơn nửa mùa giải.
Nelson là một trong nhiều sao trẻ đang gây sốt ở Bundesliga mùa này, với 15 trận góp mặt cùng 6 bàn. Và anh đến với Hoffenheim theo diện cho mượn, sau khi không tìm kiếm nổi cơ hội chen chân vào đội một ở Arsenal – CLB chủ quản vốn nổi tiếng thích đào tạo trẻ của Anh. Bên cạnh Nelson, Jadon Sancho – một sản phẩm của lò đào tạo Man City – cũng đang bay bổng ở Dortmund, theo hợp đồng cho mượn.
“Các CLB ở đây không ngại ném cầu thủ vào những trận đấu khốc liệt nhất, bạn đủ tốt về năng lực cũng đồng nghĩa với việc bạn đủ độ già dặn để chơi bóng. Theo quy luật ấy, tôi hay Sancho và nhiều cầu thủ trẻ khác ở Bundesliga đều có cơ hội thể hiện mình, và phần còn lại thì tuỳ thuộc vào khát khao, nỗ lực vươn lên của mỗi người”, Nelson nói thêm.
Những viên ngọc thô như Sancho, Nelson, Alphonse Davies (18 tuổi – Bayern), Tyler Adam (20 tuổi, RB Leipzig), Dan-Axel Zagadou (19 tuổi – Dortmund) … được xem là “của để dành” cho các CLB ở Bundesliga.
“Họ có triển vọng được giữ chân lâu dài. Nếu những tài năng này giữ đà tiến bộ, các CLB của chúng tôi có cơ hội lớn để chinh phục thành công về mặt thể thao, hoặc thu lợi lớn về tài chính khi ra đi, tương tự Leroy Sane ít năm trước, hay Christian Pulisic gần đây. Đó cũng là một phần lý do giúp Bundesliga lớn mạnh và phát triển không ngừng”, Trưởng ban Dự án Hợp tác Quốc tế của Bundesliga International, Patrick Kalisch đúc kết với VnExpress trong cuộc hội thảo tại Munich mới đây.
- Nhật Tảo/VnExpress.net