Quay trở lại sau chấn thương

Ngày cập nhật18/01/2021

Chấn thương là điều không thể tránh khỏi đối với các cầu thủ từ trình độ nghiệp dư, bán chuyên cho tới chuyên nghiệp. Hệ quả của nó là cầu thủ sẽ phải dừng việc tập luyện và thi đấu phụ thuộc vào mức độ chấn thương. Nếu nhẹ thì chỉ vài ngày, nặng thì sẽ kéo dài từ vài tháng thậm chí đến một vài năm. Do đó, việc dừng tập luyện và thi đấu do chấn thương sẽ có tác động tiêu cực tới khả năng chơi bóng về sau.

Hiểu rõ vấn đề này, Bộ phận Khoa học Thể thao và Bộ phận Vật lý trị liệu của PVF đã xây dựng một quy trình cụ thể nhằm giúp các cầu thủ có thể quay trở lại đỉnh cao một cách an toàn, hiệu quả và kịp thời với khả năng tái chấn thương thấp nhất trong khi tối đa hóa cả bốn yếu tố: chuyên môn, chiến thuật, thể lực và tâm lý.

yenileCầu thủ điều trị hồi phục chấn thương tại PVF luôn được thực hiện theo quy trình rõ ràng.
Quy trình trở lại sau chấn thương dựa trên ba quy tắc:
1. Cụ thể: không có một quy trình nào có thể áp dụng được với tất cả mọi người. Các loại chấn thương luôn rất đa dạng dù có thể chúng có cùng biểu hiện. Hơn nữa, các cầu thủ khác nhau sẽ phản ứng với việc điều trị khác nhau.
2. Liên tục trao đổi thông tin: Để cầu thủ có thể hồi phục một cách tốt nhất, cần có sự giao tiếp hiệu quả giữa các bộ phận liên quan (cầu thủ, thể lực, vật lý trị liệu, ban huấn luyện,…) để tất cả có thể nắm rõ và linh hoạt điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế.
3. Sự đánh đổi (rủi ro và cơ hội) luôn cần được cân nhắc và trao đổi giữa các bộ phận trong quá trình hồi phục.

Ví dụ: Một cầu thủ quan trọng của đội đang bị chấn thương trước một trận đấu quan trọng. Dù bị đau nhưng cầu thủ đó vẫn có thể thi đấu. Vì mục tiêu toàn đội, ban huấn luyện và cầu thủ vẫn muốn để cầu thủ đó ra sân mặc dù những hậu quả về sự gia tăng mức độ chấn thương sau này. Tuy nhiên, bộ phận vật lý trị liệu và thể lực lại muốn cầu thủ đó nên dừng việc thi đấu để tránh làm chấn thương nặng hơn ảnh hưởng tới sự nghiệp trong dài hạn. Đây là lúc tất cả các bộ phận cần làm theo các quy tắc trên.

Để có một góc nhìn thực tế hơn trong vấn đề này, chúng ta sẽ cùng đi vào những số liệu được Bộ phận Khoa học Thể thao và Vật lý trị liệu PVF hu thập trong thời gian qua. Trung bình một mùa, mỗi cầu thủ của PVF trải qua 2.1 ca chấn thương, phải nghỉ thi đấu và tập luyện 23.5 ngày tức là khoảng từ 3 tới 6 tuần. Vậy, nếu một cầu thủ nghỉ tập luyện và thi đấu một tuần, họ sẽ bị mất những gì? Theo thống kê của PVF, trong một tuần, các cầu thủ di chuyển một quãng đường từ 30km tới 40km (8km-12km/trận đấu), thực hiện 250 hoạt động cường độ cao/trận, tương đương với 10h đến 20h tập luyện và 3000 tới 4000 điểm lượng vận động.

Hệ quả trực tiếp của việc dừng thi đấu và tập luyện đó là detraining. Detraining là việc mất một phần hoặc toàn bộ khả năng liên quan tới thể chất và giải phẫu có được nhờ tập luyện, do việc tập luyện ít đi hoặc dừng tập luyện. Detraining trong thời gian dài sẽ tác động tiêu cực tới các yếu tố: khối lượng cơ bắp, cấu tạo của cơ và gân, khả năng hồi phục, hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ hô hấp, khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể và khả năng vượt qua áp lực.

Thông thường, khi cầu thủ ở trạng thái detraining, trong hai tuần đầu sẽ không có biểu hiện cụ thể về cấu trúc và thể chất. Từ hai tới bốn tuần tiếp theo, cầu thủ sẽ cần một quy trình tập luyện kéo dài từ hai tới bốn tuần để quay trở lại nhịp độ trước khi chấn thương. Và với nhiều hơn bốn tuần không tập luyện sẽ dẫn tới một quá trình hồi phục kéo dài từ 6 tới 10 tuần để khôi phục lại cả bốn yếu tố chuyên môn, chiến thuật, thể chất và tâm lý.

Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy hậu quả của chấn thương đối với cầu thủ rất lớn và có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp về lâu dài. Do đó, một quy trình an toàn, cụ thể là điều rất cần thiết để giúp các cầu thủ có thể quay trở lại đỉnh cao của mình với những tiêu chí:
• Giảm thiểu tối đa detraining
• Tối ưu hóa quá trình hồi phục
• Hạn chế những quyết định chủ quan và đơn phương
• Việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các bộ phận trong quá trình cầu thủ trở lại sau chấn thương là quan trọng nhất

  • Bộ phận Khoa học thể thao & Vật lý trị liệu PVF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *